Kể từ khi nhậm chức tháng trước, Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh chiến dịch truy quét và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Quy mô của chiến dịch cũng khiến cả những người nhập cư hợp pháp, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp Mỹ, thấp thỏm.
Sau khi các nhân viên Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) bắt nhóm công nhân tại một xưởng chế biến hải sản ở thành phố Newark, bang New Jersey cuối tháng 1, bốn người nhập cư có giấy tờ làm việc tại nhà hàng Top Burger gần đó không còn đến làm.
Klaytson Braga, chủ nhà hàng Top Burger, cho biết ông và vợ đã phải tự mình phụ trách công việc ở bếp và quầy thu ngân. "Mọi thứ giờ thật tệ. Ai cũng sợ hãi dù họ cư trú hợp pháp hay bất hợp pháp", Braga nói.
Nhiều chủ doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư cho biết nỗi sợ vì làn sóng trục xuất của ông Trump đang gây ra những gián đoạn cho công việc kinh doanh của họ. Những ngành thường khó tìm lao động như xây dựng, dịch vụ ăn uống hay chăm sóc sức khỏe có thể bị ảnh hưởng rất nhiều do tình trạng nhân sự vắng mặt kéo dài.

Đặc vụ ICE áp giải một người nhập cư lên xe tại Tucson, bang Arizona tháng trước. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump đã đưa cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp trở thành trọng tâm chiến dịch tranh cử năm 2024, lập luận rằng làn sóng người di cư gần đây đã cướp mất việc làm của công dân Mỹ và khiến tỷ lệ tội phạm tăng trên cả nước.
Tom Homan, trùm biên giới mà ông Trump bổ nhiệm, nói dù chính quyền đang tập trung vào nhóm nhập cư có tiền án, bất kỳ ai cư trú bất hợp pháp ở Mỹ đều có thể là mục tiêu của chiến dịch trục xuất.
ICE từ đầu tháng này ngừng thông báo về số vụ bắt giữ hàng ngày. Nhưng dữ liệu trước đó cho thấy kể từ khi ông Trump nhậm chức, ICE đã bắt trung bình 822 trường hợp mỗi ngày. Trong năm 2024, con số này chỉ khoảng 310 người mỗi ngày.
Người nhập cư không giấy tờ chiếm khoảng 4,6% lực lượng lao động ở Mỹ, theo phân tích năm ngoái của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Di trú Mỹ dựa trên dữ liệu Cục Thống kê Dân số năm 2022. Họ chiếm 14% trong số công nhân ngành xây dựng và khoảng 7% lao động ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn.
Báo cáo tháng trước của ngân hàng Standard Chartered ước tính hai phần ba mức tăng trưởng tiền lương phi nông nghiệp trong năm 2024 được thúc đẩy bởi nhóm nhập cư không giấy tờ. Do đó, báo cáo nhận định chiến dịch trục xuất của ông Trump có thể gây gián đoạn "nhiều hơn dự kiến".
Người Mỹ và người nhập cư hợp pháp sẽ phải lấp đầy khoảng trống của nguồn cung lao động sau khi người nhập cư trái phép bị trục xuất, kéo theo mức lương phải trả cao hơn và nguy cơ dẫn tới lạm phát. Bộ Lao động Mỹ trong báo cáo ngày 12/2 chỉ ra giá tiêu dùng ở nước này đã tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 1.
Brian Turmail, người phát ngôn Hiệp hội các nhà thầu Mỹ, nói rằng họ đã nhận được nhiều báo cáo từ các thành viên ở Florida, Georgia, Texas và Oklahoma cùng nhiều địa điểm khác về tình trạng nhân công vắng mặt. Khảo sát gần đây của tổ chức này cho biết gần 80% nhà thầu thành viên cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng người thay thế.
"Bất kỳ điều gì làm giảm nguồn cung lao động đều sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án của các nhà thầu", Turmail nói.
Sergio Terreros, chủ tịch Hiệp hội nhà thầu gốc Tây Ban Nha, cho biết ông đã nói chuyện với hàng chục thành viên sau khi ông Trump nhậm chức và khoảng một nửa số đó phàn nàn về tình trạng công nhân vắng mặt tăng đột biến.
Jose Zaldivar, nhà thầu xây dựng ở thủ đô Washington, cho biết 4 người trong nhóm 5 công nhân thường xuyên của ông đã nghỉ làm và không thể liên lạc. Hai thợ điện nước cùng nhóm của họ mà ông thường hợp tác cũng không đi làm. Tình trạng này khiến Zaldivar phải từ chối hai dự án gần đây.
"Không ai muốn ra ngoài vì sợ", ông nói.

Người nhập cư chờ khởi hành trên chuyến bay trục xuất của không quân Mỹ tại Tucson, Arizona tháng trước. Ảnh: Reuters
Trong ngành chăm sóc người cao tuổi vốn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư, việc tuyển dụng ngày càng khó khăn, theo Katie Smith Sloan, chủ tịch công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi LeadingAge. Bà nói các tổ chức thành viên đã báo cáo rằng một số nhân viên của họ đã nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái vì chúng không dám đến trường.
Tại Wisconsin, một số trung tâm chăm sóc người cao tuổi đã tuyển dụng những lao động nhập cư được cấp phép làm việc tại Mỹ trong thời gian chờ xét duyệt đơn tị nạn, theo chương trình của chính quyền Joe Biden. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã chấm dứt chương trình đó, khiến tính hợp pháp của những lao động nhập cư này trở nên bấp bênh.
Nhiều doanh nghiệp đang tham vấn luật sư về di trú để chuẩn bị ứng phó với các cuộc khám xét của đặc vụ ICE. "Rất nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy cần có trách nhiệm với những lao động đã làm việc cho họ nhiều năm", Andrew Rigie, giám đốc điều hành Liên minh Ngành dịch vụ khách sạn thành phố New York, cho biết.
Nỗi sợ hãi đang bao trùm nhiều gia đình nhập cư, ngay cả khi họ đang cư trú hợp pháp tại Mỹ. Christina Gonzalez, chủ nhà hàng Taqueria Los Comales ở Chicago, cho biết 5 trong số 15 nhân viên đã không tới làm việc vì lo ngại chiến dịch truy quét của Tổng thống Trump. Tất cả nhân viên đều có thẻ an sinh xã hội để cư trú hợp pháp tại Mỹ, nhưng điều đó dường như chưa đủ khiến họ an tâm.
Một nhân viên 17 tuổi nói rằng phải ở nhà để đón hai em từ trường về để đề phòng trường hợp cha mẹ anh bị đặc vụ ICE bắt. "Đó là cảm giác rất đau đớn", Gonzalez nói.
Tuy nhiên, bất chấp những lo sợ, nhiều lao động nhập cư vẫn đi làm. Erick Sanoja là người Venezuela nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ theo chương trình nhân đạo và được cấp phép làm việc tại đây. Những ngày qua, anh vẫn tiếp tục công việc tại một công ty ở ngoại ô thành phố Salt Lake, bang Utah.
Những thay đổi chính sách của chính quyền ông Trump đã khiến Sanoja rất sợ hãi. Anh nói sợ phải ra khỏi nhà để theo học lớp tiếng Anh. Vợ chồng anh cũng hạn chế tới siêu thị và thường tích trữ nhiều đồ mỗi lần đi mua. Các con anh cũng không còn gặp gỡ bạn bè để cùng ăn kem nữa.
"Thật đáng lo ngại. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình", Sanoja nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ)