Lãnh đạo đảng Nhân dân đối lập Thái Lan Natthapong Ruengpanyawut hôm 1/7 nói rằng công chúng cần một chính phủ ổn định, tập trung, hợp pháp và đáng tin cậy để giải quyết những thách thức mà đất nước đang đối mặt, trong đó có tranh chấp thuế quan với Mỹ và căng thẳng biên giới với Campuchia.
"Đất nước chúng ta không thể có một chính phủ đáp ứng đầy đủ những tiêu chí như vậy nếu không tổ chức cuộc bầu cử mới. Đó cũng là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay khi trả lại quyền lực cho nhân dân, những người làm chủ đất nước", ông nói.
Đề xuất được đưa ra sau khi Tòa Hiến pháp Thái Lan hôm 1/7 đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian điều tra cuộc điện đàm ngày 15/6 của bà với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Quốc vương Thái Lan là người được quyền ra sắc lệnh giải tán Hạ viện, theo đề nghị của thủ tướng. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ khi Hạ viện bị giải tán.
Theo lãnh đạo Natthapong, đảng của ông sẽ tận dụng mọi cơ chế pháp lý để thúc đẩy cuộc bầu cử mới nếu chính quyền từ chối giải tán Hạ viện. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đảng Nhân dân không ủng hộ việc các phe phái chính trị sử dụng "cuộc chiến pháp lý" để hạ bệ nhau, gọi những chiến thuật như vậy là "phi dân chủ".
"Không có ngõ cụt trong nền dân chủ, trừ khi một số nhóm quyết đẩy nó đến điểm giới hạn, giành quyền lực một cách phi dân chủ và quyết định tương lai của đất nước thay người dân", ông nhấn mạnh.

Lãnh đạo đảng Nhân dân đối lập ở Thái Lan Natthapong Ruengpanyawut. Ảnh: Khaosod
Tòa Hiến pháp đình chỉ chức vụ của bà Paetongtarn sau khi 36 thượng nghị sĩ, do tướng Sawat Tassana, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, dẫn đầu, hồi cuối tháng 6 đệ trình kiến nghị, cáo buộc Thủ tướng "vi phạm đạo đức nghiêm trọng" và làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia khi gọi điện và trao đổi riêng với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Cựu thủ tướng Srettha Thavisin, thuộc đảng Pheu Thai, từng bị Tòa Hiến pháp bãi nhiệm hồi tháng 8/2024 vì cáo buộc vi phạm đạo đức.
Hạ viện Thái Lan gồm 500 thành viên, được bầu trực tiếp thông qua tổng tuyển cử với nhiệm kỳ 4 năm. Sau tổng tuyển cử, 500 nghị sĩ của Hạ viện sẽ cùng 250 thượng nghị sĩ bỏ phiếu bầu thủ tướng mới và thành lập chính phủ.
Thủ tướng Paetongtarn lên nắm quyền hồi tháng 9/2024 sau khi lập được liên minh 11 đảng, do đảng Pheu Thai lãnh đạo. Tuy nhiên, sau khi băng ghi âm cuộc điện đàm với ông Hun Sen bị rò rỉ, đảng lớn thứ hai trong liên minh là Bhumjaithai đã rút lui. Với việc BJT rút lui, liên minh của bà Paetongtarn còn 261 ghế ở Hạ viện, trong khi phe đối lập có 234 ghế.
Huyền Lê (Theo Nation Thailand, AFP)