Những bất cập về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa được ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nêu tại cuộc họp ngày 25/7.
Theo ông Chi, một số quy định mới về xác định giá trị cổ phần, giá khởi điểm chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Nghị định 32/2018 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đang khiến không ít đơn vị lúng túng.
"Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn có sáng tạo, dũng cảm tới mấy cũng không dám làm. Bởi nếu làm thì vi phạm quy định và làm xong cũng không nhà đầu tư nào bỏ giá mua bởi họ sẽ mất ngay tiền đặt cọc nếu thị trường chứng khoán đi lên", ông Chi nêu.
![Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2018/07/25/Nguyen-Duc-Chi-SCIC-2357-1532512423.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KX4R4YHjYgRajCS9wmx7PA)
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC.
Chủ tịch SCIC phân tích, theo Nghị định 32, sau khi xác định giá khởi điểm, doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán phải công bố giá bán này tối thiểu 20 ngày trước đấu giá cổ phần và nhà đầu tư tham gia mua lập tức phải đặt cọc tiền. Trường hợp thị trường chứng khoán khởi sắc, các phiên đều tăng trần trong khoảng thời gian này, nhà đầu tư phải trả tiền theo giá sàn ngày đấu giá, nếu không sẽ mất tiền đặt cọc trước đó. Quy định cứng như vậy, ông Chi nói, sẽ không thể có nhà đầu tư nào tham gia.
Vướng mắc nữa, là doanh nghiệp trước khi tiến hành IPO phải thuê riêng 2 đơn vị tư vấn độc lập, tư vấn về định giá giá trị cổ phần và giá trị doanh nghiệp, thay vì chỉ cần một đơn vị tư vấn như trước.
Ngoài ra, quy định mới cũng yêu cầu phải đưa lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm, giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu... của doanh nghiệp vào xác định giá khởi điểm. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn, chuẩn hóa quy định này đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính ban hành.
"Người thực hiện lo lắng rủi ro và chần chừ đưa ra quyết định về xác định giá khởi điểm của doanh nghiệp. Họ lo sợ làm không đúng khi đem ra bán sẽ ế, lại phải đem về do giá quá cao", ông Chi nói thêm.
Mặt khác, việc xác định phương án sử dụng đất trước IPO cũng đang là trở ngại khiến quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại nhiều địa phương, bộ, ngành ì ạch. Điển hình tại TP HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, song phần lớn hơn 1.000 mặt bằng đang được giao các quận, huyện quản lý và cho thuê sử dụng, đến nay chưa có phương án giao đất. Hay trường hợp của Tập đoàn Than, khoáng sản (TKV) cũng được Thứ trưởng Công Thương - Đặng Hoàng An cho biết, có thể lỡ nhịp kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ trong năm nay khi chưa xác định xong phương án sử dụng đất.
Trước thực tế này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa trong cổ phần hóa doanh nghiệp.
Dẫn báo cáo của Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ nêu, nửa đầu năm 2018 có 16 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, thu về gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu năm 2017.
Các bộ, địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp thu về gấp 3 lần giá trị sổ sách, gần 5.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 28.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM bị nhắc nhở vì ì ạch, thiếu quyết liệt trong cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp quốc doanh. Kế hoạch năm 2018, hai thành phố phải thực hiện cổ phần hoá lần lượt 39 và 11 đơn vị, nhưng đến nay chưa được doanh nghiệp nào.
Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành và địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Chính phủ gỡ vướng chính sách, cũng như đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá thực hiện bàn giao phần vốn nhà nước về SCIC, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc không có kết quả nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường.
Anh Minh