Nội dung nêu trong công văn đánh giá, xếp loại và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong giải ngân đầu tư công năm 2022 vừa được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký. Quyết định đưa ra ở bối cảnh giải ngân đầu tư công năm nay của thành phố có mức rất thấp so với mọi năm.
![Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) chậm tiến độ, tháng 8/2022. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/12/21/2809-1664513878-8740-1671588663.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WyGMPvq0M-boN27LV73OrQ)
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) chậm tiến độ, tháng 8/2022. Ảnh: Gia Minh
Theo đó, người đứng đầu đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 30% bị xem không hoàn thành nhiệm vụ, mất thu nhập tăng thêm quý 4 năm nay; giải ngân 30-50% không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 51-79% hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 80% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ba trường hợp phía sau được hưởng thu nhập tăng thêm tùy theo kết quả công việc.
Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, từ năm 2018 TP HCM được chi bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo động lực cho nhân sự công ở thành phố có khối lượng công việc nhiều nhất nước. Hiện mức chi tối đa là 1,2 lần và tăng lên tối đa 1,8 lần trong năm tới.
Hết tháng 11, TP HCM mới giải ngân hơn 30% vốn đầu tư công (hơn 11.400 trên 37.500 tỷ đồng), thuộc nhóm thấp nhất trong 63 tỉnh, thành. Dự kiến hết năm, thành phố giải ngân hơn 76% tổng vốn, theo cam kết của các chủ đầu tư. Thành phố đã lập 3 tổ công tác để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, họp định kỳ hàng tuần
Năm 2023, TP HCM được Trung ương phân bổ 55.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95%.
Thu Hằng