Thứ tư, 12/2/2025
Thứ tư, 12/2/2025, 17:29 (GMT+7)

Làng giò chả 500 tuổi ở Hà Nội ăn Tết lần hai

Vào 15 tháng Giêng, người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai từ khắp nơi trở về quê nhà sum họp, nấu cỗ, mở hội ăn Tết lần hai.

Làng Ước Lễ với tuổi đời khoảng 500 năm, nổi tiếng nhờ nghề làm giò chả, có tục bất thành văn "ăn Tết lại". Nhiều dân làng hiện đã chuyển tới các thành phố lớn để kinh doanh giò, chả, họ thường bận bịu tới tận chiều 30 Tết mới có thời gian về quê. Những người làm ăn ở miền Nam hay nước ngoài có khi không thể về vào dịp Tết. Do đó, làng có tục ngày 14 và 15 tháng Chạp, mọi người xa quê đều sắp xếp về sum vầy với gia đình, làng xóm.

Trong hình là không gian tái hiện chợ cổ ở làng Ước Lễ, được tổ chức từ năm nay.

Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng ban tổ chức chợ cổ làng Ước Lễ, nói người dân muốn dựng phiên chợ để trưng bày các sản phẩm truyền thống, tạo ra không gian trải nghiệm cho du khách tới xem tục ăn Tết lại, doanh thu không phải vấn đề chính.

Các năm trước, chợ làng vẫn họp trong ngày ăn Tết lại nhưng không được quy củ thành từng gian, trang trí đẹp mắt như năm nay.

Bà Ngô Thị Liên Hương, sống tại Hungary, có bạn người làng Ước Lễ nên được rủ tới chơi nhân dịp về nước. Du khách nói không gian cổ kính của ngôi làng và những sản phẩm giò chả được chế biến đa dạng khiến bà bất ngờ.

Nếu phải về Hungary ngay, bà cho biết sẽ mua vài chục kg giò, chả để đem theo. Tuy nhiên, do dư dả thời gian, bà mua một chút làm quà cho người thân tại TP HCM trong chuyến đi sắp tới.

"Tôi nhớ những ngày Tết muốn tìm mua giò chả Ước Lễ ở thành phố rất cực, được thoải mái trải nghiệm như này thật chẳng còn gì bằng", bà nói.

Trường tiểu học cũng tổ chức cho các em học sinh tham quan, trải nghiệm không gian chợ cổ, qua đó giáo dục về cách bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của làng.

Trước kia, làng nghề giò chả Ước Lễ chỉ có hai loại sản phẩm chính là giò lụa và chả lụa. Tuy nhiên, vì nhu cầu khách hàng thay đổi, các gia đình thuộc làng nghề hiện đều bán trên chục món khác nhau chả quế, giò bò, giò sụn. Một số gian hàng còn bán cả những món hợp thị hiếu giới trẻ như nem chua rán, chả bò xả.

Dù nổi tiếng làm giò chả lâu đời, làng chỉ còn khoảng dưới chục hộ còn duy trì nghề tại chỗ, hầu hết đã chuyển đi nơi khác kinh doanh. Từ việc làm mới các hoạt động trong ngày ăn Tết lại, dân làng kỳ vọng có thể tạo ra không gian hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và mua sắm ngay tại làng sau này.

Sau 9h, các nẻo đường vào làng bắt đầu đông nghịt người từ xa về quê.

Theo ông Nguyễn Viết Tân, Chủ tịch Hội đồng hương người làng Ước Lễ ở Hà Nội, ngày 14 tháng Giêng chủ yếu chỉ có người làng về làm lễ. Ngày 15 mới bắt đầu chính thức "ăn Tết lại" khi mọi nhà đều tề tựu đông đủ, còn rủ theo bạn bè, người thân tới trải nghiệm phong tục độc đáo. Không khí vui nhất là trưa ngày 15, tới chiều, mọi người trở về các thành phố lớn, trả lại sự yên ắng thường có cho ngôi làng.

Nhiều người cao tuổi ở Ước Lễ quan niệm nhà nào đông khách, nhiều mâm trong buổi ăn Tết lại "rất đáng tự hào".

Trong hình là mâm cơm dâng thần linh, tổ tiên của nhà Hương Sơn, một trong những gia đình kinh doanh giò chả Ước Lễ tại Hà Nội. Chủ nhà Nguyễn Thị Thu Hương nói đã trải qua 34 lần ăn Tết lại từ khi làm dâu Ước Lễ và thấy không khí chưa bao giờ "mất nhiệt". Nếu ngày 15 tháng Giêng rơi vào cuối tuần, ngôi làng nhỏ còn chật ních người hơn nữa.

Hàng năm, nhà bà Hương làm khoảng 40 mâm cỗ đãi khách nhưng năm nay chỉ còn 10 do gia đình vừa có người mất.

Bên cạnh phần hội làng hay làm cỗ đãi khách, người làng Ước Lễ còn tập trung tới chùa Sổ trong ngày rằm tháng Giêng để cầu may mắn, bình an.

Ngôi chùa có tuổi đời gần 500 năm, được xây trong thời nhà Mạc và còn nhiều dấu tích từ thời xưa như những viên gạch cũ, chạm trổ hình rồng. Ban đầu, chùa là một đạo quán nhưng do Đạo giáo suy yếu nên đã được đổi thành nơi thờ tự Phật giáo vào thế kỷ 16.

Người làng làm lễ cầu an, cầu may bên trong chùa Sổ.

Một gia đình từ Hà Nội viếng mộ người thân ở nghĩa trang cạnh chùa Sổ. Theo nhiều người làng, một số gia đình không về quê dịp Tết Nguyên đán nên tới 15 tháng Giêng mới đi tảo mộ.

Tú Nguyễn

Ảnh: Hoàng Giang

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net