Điều 178 Bộ luật hình sự quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
Từ điều luật trên thì người nào có hành vi đập phá, huỷ hoại tài sản của người khác mà có giá trị trên 2 triệu đồng thì có căn cứ bị khởi tố hình sự.
Theo như ông bà nói thì ngôi nhà là tài sản chung của gia đình nên cũng có một phần tài sản là của người con. Như vậy, người con chỉ phá huỷ một phần nhỏ ngôi nhà thì rất khó xác định hành vi huỷ hoại tài sản của người con.
Tuy nhiên, nếu trường hợp huỷ hoại hoàn toàn hoặc gây thiệt hại hơn thì có căn cứ gây thiệt hại tài sản của ông bà. Nên tuỳ vào tính chất mức độ và thiệt hại mới có thể xác định được người con có vi phạm pháp luật huỷ hoại tài sản của người khác hay không.
Với hành vi đập phá đồ đạc tháo cửa sổ, dỡ mái nhà, chửi bới có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, người này là con trai của ông bà nên ông bà cân nhắc thật kỹ, có thể ông bà nên đề nghị Uỷ ban nhân dân và các cơ quan địa phương đứng ra giải quyết và yêu cầu người con không có những hành động trái pháp luật trước khi nộp đơn ra cơ quan công an.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci