Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 15h hôm nay, bão Wipha cách Quảng Ninh khoảng 110 km, Hải Phòng khoảng 230 km, cách Hưng Yên 250 km, Ninh Bình khoảng 275 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão là 102 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12. Dự báo bão vào các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa vào khoảng 13h ngày 22/7 với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14.
Để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bão, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã ban hành cảnh báo chi tiết, tương ứng với từng cấp độ bão. Cụ thể, gió bão cấp 8, giật trên cấp 10 (62-74 km/h) thì cành cây dễ bị gãy, một số cây lớn có thể bật rễ. Người đi bộ gần như không thể di chuyển, gió mạnh tác động rõ ràng lên cơ sở hạ tầng.
Gió bão cấp 9, giật cấp trên 11 (75-88 km/h) cây lớn có thể gãy đổ. Nhiều công trình yếu có thể bị hư hại (tốc mái nhà không kiên cố). Giao thông đường bộ bị cản trở nặng nề, các biển báo, công trình ngoài trời dễ bị hư hỏng hoặc đổ sập. Biển động rất mạnh, nguy hiểm đối với tàu, thuyền hoạt động trên biển.

Nhân viên quán karaoke gần bãi biển khu 1 Đồ Sơn (Hải Phòng) chèn cửa kính bằng vải. Ảnh: Lê Tân
Gió bão cấp 10, giật trên cấp 12 (89-102 km/h) có thể phá hủy cây lớn, nhiều công trình xây dựng yếu, không kiên cố có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Gió bão gây nguy hiểm cho tàu thuyền trên biển, làm thiệt hại cho các bến tàu, âu tàu nơi tàu thuyền tránh trú bão.
Gió bão cấp 11, giật trên cấp 13 (103-117 km/h) có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho công trình không kiên cố, rất nguy hiểm cho tàu thuyền và cư dân ven biển. Cơ sở hạ tầng như mái nhà, cửa sổ có thể bị phá hủy nghiêm trọng.
Gió bão cấp 12, giật trên cấp 14 (118-133 km/h) sức tàn phá rất lớn. Gió có thể thổi bay cây cối, phá hủy hoàn toàn các công trình xây dựng không kiên cố, gây hư hại nặng nề ngay cả các tòa nhà lớn. Các tàu nhỏ nếu không được neo, đệm cẩn thận có thể bị đánh vỡ, nhấn chìm tại cảng, âu tàu.
Đảm bảo an toàn cho người
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước bão, mưa lũ sau bão, người dân cần theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến bão để chủ động phòng tránh.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình gia cố mái nhà trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Hoa Lư
Nếu đi du lịch mùa mưa bão, người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, chủ động hoãn hoặc hủy chuyến đi khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn; tránh di chuyển đến khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Đặc biệt, cần tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng.
Người dân cần xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương; chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng.
Trong và sau bão, người dân cần đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng đề nghị người dân kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, khu dân cư mình ở tạo đường thoát lũ; thông báo tới chính quyền khi có sự cố về tắc nghẽn cống thoát nước, các điểm ngập sâu; không đỗ xe ở các vùng có nguy cơ ngập; đề phòng ngập tầng hầm chung cư.
Ngoài ra, người dân cũng cần lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Hướng dẫn chằng chống nhà cửa
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai hướng dẫn để giảm thiểu gió lùa gây vỡ kính, hỏng cửa khi bão vào, người dân cần cài chặt các then, chốt cửa, neo chặt bằng đòn tre, gỗ vào tường nhà đề phòng gió giật làm bung cửa. Dán cửa kính bằng băng dính bản rộng để giảm thiểu kính vỡ; bịt các ô cửa bằng tấm gỗ dán, bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, các lỗ thông gió để tránh gió lùa.
Người dân cần giảm thiểu tốc mái ngói bằng cách chêm vữa, xi măng, cát tỷ lệ 1:3, gắn các viên ngói khoảng 3-4 hàng xung quanh mái; xây bờ nóc bằng vữa xi măng cát tỷ lệ 1:3; xây bờ chảy mái bằng một hàng gạch đôi, một hàng gạch đơn bằng vữa xi măng tỷ lệ 1:3. Bà con nên xây con chạch mái một hàng gạch đơn vữa xi măng cát tỷ lệ 1:3 cách nhau khoảng 1,5 m.

Người dân dùng ván gỗ bọc kín cửa kính một nhà hàng ở phường Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Lê Tân
Nhằm giảm thiểu tốc mái, người dân nên chặn bằng bao cát, đối với nhà có độ dốc mái lớn dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng 15-20 kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5 m ở vùng giữa mái và 1m ở xung quanh mái.
Đối với nhà có độ dốc mái nhỏ, người dân làm tương tự như trên, nhưng không cần dùng dây nối các bao cát.
Giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A: Với các nhà fibro xi măng đặt các thanh chặn ngang bằng cây gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m, đặt tiếp các giằng chữ A ở đỉnh nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà cách nhau khoảng 2,5 m lên thanh chặn. Sau đó cần buộc thanh chặn bằng dây thép, buộc chặt dây chữ A vào cọc đóng sâu xuống đất 1-1,5m.
Gia Chính