Cách đây mấy tuần, khi mà đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu quốc tế, vào các trang mạng tôi thấy đầy rẫy những huấn luyện viên online. Họ bàn chiến thuật như những HLV hàng đầu thế giới. Họ khuyên ông Park phải xếp ai, đá vị trí nào, mặc dù không biết gì về đối phương lẫn sức khoẻ các cầu thủ. Họ chê cầu thủ này đá dở ra sao, cầu thủ kia phải sút thế nào dù cho HLV đội khách hết mực đề cao.
Ngẫm lại, với quỹ đất trống ngày càng ít đi, cái chuyện đá bóng sau khi tan học có lẽ chỉ còn là quá khứ của 15-20 năm trước. Không hiểu kiến thức, kinh nghiệm bóng đá của những thiên tài online đó để đâu mà không thể giúp Việt Nam vô địch SEA Games.
>> Đánh vần c/k/q thành 'cờ' chỉ là phần nổi tảng băng cải cách giáo dục
Dạo một vòng quanh các diễn đàn xe cộ, cũng thật bất ngờ khi thấy các "chuyên gia" lên tiếng bình luận. Họ khen chê xe cộ với những lý luận không cần bằng chứng khoa học. Đưa ra những kinh nghiệm đúc kết mà ngay cả những tay chơi xe hàng đầu thế giới chưa chắc đã có. Nhưng khi bàn đến những chi tiết liên quan thì mới vỡ ra rằng mấy anh "chuyên gia online" này có lẽ chưa từng một lần điều khiển ô tô, chứ chưa nói đến sở hữu chúng.
Quay lại hiện tại, khi mà chương trình thực nghiệm lớp một được đưa ra thảo luận, một lần nữa chúng ta lại thấy lực lượng "chuyên gia giáo dục" không biết từ đâu ra sức tranh luận.
Chỉ là, phần lớn những lý lẽ tự suy đó hầu như không có một chút dẫn chứng khoa học nào.
>> Sách tiếng Việt Công nghệ Giáo Dục qua cách nhìn của người cha có con học lớp 1
Thậm tệ hơn, người ta gán cho cái chương trình thực nghiệm cái tội "cải cách ngôn ngữ" trong khi nó chỉ thay đổi phương pháp dạy. Cũng giống như bài toán đếm ô vuông trên bàn cờ, anh có thể đếm từng ô, hoặc lấy hai cạnh nhân với nhau, cũng sẽ ra cùng một kết quả. Bàn cờ không to ra hay nhỏ đi, đóchỉ là thay đổi phương pháp.
Và khi chương trình thực nghiệm đã được giảng dạy 40 năm, các lứa học sinh từ chương trình đó hiện tại đều có thể đọc viết bình thường như bao người khác, không có bất cứ sự khác biệt nào về kết quả, thì có thể khẳng định chương trình thực nghiệm chỉ thay đổi cách dạy chứ không thay đổi ngôn ngữ.
Có lẽ, điểm chung của các "chuyên gia online" phần lớn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người trong cuộc. HLV online không có thông tin về tình trạng cầu thủ ta lẫn đối phương, tay chơi xe online chưa từng sở hữu chiếc xe họ bình luận, còn các chuyên gia giáo dục online thì chưa từng học qua hoặc có con cháu học qua chương trình thực nghiệm.
>> Tôi cần công bố chứng minh sách Công nghệ Giáo dục giúp trẻ học tốt hơn
Thay vì tự mình suy diễn, hay hùa theo các thuyết âm mưu trên mạng, tại sao không dừng lại tìm hiểu, hỏi qua những người trong cuộc để có cái nhìn thực tế và chính xác hơn?
Trộm nghĩ, nếu Internet phổ biến cách đây 100-200 năm thì có lẽ ông bà ta đã rầm rộ phản đối chữ Quốc Ngữ thay chữ Nôm rồi. Mà nếu thế thật thì chúng ta cũng không phải cãi nhau về cách đánh vần hôm nay.
>> Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Chia sẻ bài viết tại đây