- Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước có tiến hành một số chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như tại Tập đoàn Điện lực (EVN). Ông đánh giá như thế nào về các đợt kiểm toán này cũng như việc điều hành giá một số mặt hàng cơ bản đang được xã hội quan tâm?
![]() |
Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng đồng tình với việc điều chỉnh giá điện. Ảnh: Nhật Minh |
- Việc kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu trong năm 2011 được thực hiện ở 10 đầu mối. Báo cáo kiểm toán đã được chúng tôi phát hành từ trong năm. Nhưng theo quy định, sau khi được Quốc hội thông qua thì kiểm toán mới công bố. Tuy vậy, điểm lớn nhất là không có sai phạm lớn tại các doanh nghiệp. Năm 2012, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm toán tài chính tại Petrolimex và một số đơn vị khác để góp phần làm minh bạch hơn chuyện kinh doanh xăng dầu.
Với EVN thì như đã công bố, Tập đoàn này lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng do sản xuất, kinh doanh điện trong năm qua. Sau khi kiểm toán, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ. Theo đó, chúng tôi đồng tình cao với việc giá điện phải điều chỉnh theo giá thị trường, tăng so với hiện nay. Bởi lẽ, giá bán điện hiện nay, nếu chỉ có thủy điện thì có lãi, còn với các nguồn mua ngoài của Trung Quốc, hay từ Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí… thì không đảm bảo về mặt kinh tế.
Do vậy, chúng tôi cũng kiến nghị rằng cần phải thực hiện tăng giá điện theo cơ chế thị trường. Còn cụ thể điều chỉnh khi nào, điều chỉnh bao nhiêu thì Chính phủ sẽ quyết định trên cơ sở cân đối vĩ mô và khả năng chi trả của người dân.
- Bước qua 2012, Kiểm toán Nhà nước dự kiến công tác tại duy nhất một đơn vị trong khối tập đoàn, trong khi đây lại là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông có thể lý giải như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là kế hoạch kiểm toán năm nay không có nhiều các tập đoàn, nhưng nói là “vắng bóng” thì cũng chưa hẳn đúng. Ban đầu, Kiểm toán Nhà nước dự kiến có nhiều tập đoàn được hơn, nhưng sau khi đối chiếu với kế hoạch thanh, kiểm tra của các đơn vị khác như Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thanh tra Chính phủ, chúng tôi có loại ra một số đơn vị để tránh chồng chéo. Chẳng hạn như trường hợp Tập đoàn Cao su chưa phải kiểm toán trong năm nay do trùng với kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Trên thực tế thì việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đều theo quy trình, đã được lấy ý kiến của đại biểu, thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cũng như các bộ, ngành. Do vậy, tôi nghĩ rằng với danh sách được công bố nêu trên là phù hợp với năng lực và điều kiện hiện tại của Kiểm toán Nhà nước…
- Giảm bớt số đoàn công tác tại tập đoàn nhưng Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ tăng các cuộc kiểm tra chuyên đề (sử dụng vốn tại công ty tài chính, khai thác khoáng sản, lệ phí hàng hải, hàng không…). Mục đích của việc làm này là gì thưa ông?
- Từ trước đến nay thì ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào kiểm toán tuân thủ. Nói nôm na là hậu kiểm. Bây giờ chúng tôi bắt đầu đi sâu hơn vào kiểm toán hoạt động bằng các chuyên đề. Tức là kiểm toán song hành với quá trình thực hiện dự án cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan. Như vậy việc kiểm toán sẽ có ý nghĩa hơn, giúp cơ quan quản lý kịp điều chỉnh chính sách, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Chẳng hạn như khai thác khoáng sản hiện nay là vấn đề nóng. Tuy năm nay không kiểm toán Tập đoàn Than khoáng sản nhưng với chuyên đề này, chúng tôi chắc chắn sẽ “động chạm” nhiều đơn vị. Hơn nữa nếu kiểm toán doanh nghiệp thì chỉ cho biết được vấn đề sử dụng tài chính, trong khi mấu chốt của vấn đề là quản lý tài nguyên, khoáng sản của đất nước. Như vậy thì phải kiểm toán hoạt động mới có hiệu quả.
![]() |
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết chưa phát hiện trường hợp ngân hàng nào bắt tay với doanh nghiệp đáo nợ. Ảnh: Nhật Minh |
- Kiểm toán các ngân hàng, công ty tài chính rõ ràng là một vấn đề mới và phức tạp. Ông đánh giá như thế nào về khả năng Kiểm toán Nhà nước có thể “bỏ sót” những sai phạm của các tổ chức này?
- Như tôi đã nói thì yêu cầu thực tế đang đặt ra nhiều nhiệm vụ chưa có tiền lệ với Kiểm toán Nhà nước. Với những trường hợp này thì chúng tôi chỉ có thể hết sức, làm đúng nguyên tắc, trách nhiệm cũng như nỗ lực để có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Chẳng hạn như vừa qua, báo chí cũng phản ánh chuyện một số ngân hàng, tổ chức tài chính bắt tay với doanh nghiệp làm dịch vụ đáo nợ, khiến nợ xấu ngân hàng không đúng thực chất.
Cá nhân tôi cho rằng hiện tượng này là có nhưng rất tinh vi, khó phát hiện. Thực tế thì các đợt kiểm toán vừa qua cũng chưa phát hiện được trường hợp nào như vậy. Nếu phát hiện ra thì đây là vấn đề cần phải kiến nghị để xử lý một cách nghiêm túc đối với đơn vị sai phạm.
Nhật Minh (ghi)