Thuốc lá điện tử trở nên phổ biến
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) năm 2020 cho thấy có 3,6 triệu thanh thiếu niên nước này đang dùng thuốc lá điện tử (TLĐT), 83% trong số này dùng các sản phẩm có hương vị và hơn 1 triệu người dùng TLĐT có tinh chất bạc hà.
Tại châu Âu, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ở một số nước, tỷ lệ trẻ vị thành niên hút TLĐT đang gia tăng; tại Italy, tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018.
Trong khi đó, các dữ liệu đến nay cho thấy thuốc lá làm nóng (TLLN), một dạng sản phẩm TLTHM khác, lại ít thu hút với giới trẻ hơn. Một nghiên cứu năm 2018 tại Nhật Bản, cho thấy chỉ có 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm TLLN trong cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây đều là những nhóm đối tượng chuyển đổi từ việc hút thuốc lá điếu thông thường trước đó sang sử dụng TLLN.
Đến khảo sát được công bố năm 2020 cho thấy, người trẻ và có thu nhập cao có xu hướng ưa chuộng TLLN, tuy nhiên lượng người dùng sản phẩm này nhìn chung vẫn thấp hơn TLĐT và thuốc lá điếu thông thường. Sự đối lập này nhìn chung là do các chính sách kiểm soát, quản lý khác biệt theo từng thị trường.
![Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được nghiên cứu cho thấy có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/01/18/shutterstock-1073661338-164249-5778-7821-1642498922.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R_lbvpV9jxU7roaXkPzDyA)
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được nghiên cứu cho thấy có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu. Ảnh: Shutterstock
Tại Việt Nam, các sản phẩm TLTHM chưa được pháp luật cho phép mua bán, sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm này hiện vẫn đang được mua bán trái phép. Số liệu thực tế ghi nhận được, TLĐT đang là nguồn hàng được giới trẻ săn lùng nhiều nhất hiện nay vì đa dạng kiểu dáng, hương vị tinh dầu. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách Y tế từng công bố, tại Việt Nam có 5,2% thanh thiếu niên chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng lại sử dụng TLĐT. Theo kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút TLĐT.
Các chuyên gia cảnh báo nhiều mối nguy hại từ sản phẩm kém chất lượng lẫn sự phối trộn các thành phần vào dung dịch TLĐT lậu, không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát, quản lý.
Kiểm soát bằng chính sách quản lý
Từ năm 2019, nhiều bang ở Mỹ đã thông qua luật nâng độ tuổi được mua thuốc lá từ 18 lên 21 tuổi. Tháng 7/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sản phẩm thuốc lá làm nóng đầu tiên được kinh doanh tại Mỹ như là "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ" (MRTP) cùng với chỉ định "Giảm thiểu phơi nhiễm". Tuy nhiên, FDA nhấn mạnh việc đưa ra quyết định trên không có nghĩa là cơ quan này tán thành sản phẩm TLLN là an toàn cho người tiêu dùng. FDA cũng nhấn mạnh sản phẩm chỉ dành cho người hiện đang hút thuốc có nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu. FDA yêu cầu hãng sản xuất phải có trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về TLLN và đảm bảo việc quảng bá sản phẩm không hướng đến đối tượng này. Công ty cũng phải báo cáo cho FDA về những nỗ lực ngăn chặn sự tiếp cận và phơi nhiễm của giới trẻ với sản phẩm này.
Trung Quốc mới đây cũng đã đưa thuốc lá điện tử vào quản lý. Chính phủ New Zealand vừa công bố sẽ cấm người dưới 14 tuổi mua thuốc lá và độ tuổi này sẽ tăng dần hàng năm. Tuy nhiên, New Zealand sẽ không áp dụng quy định này đối với vape (TLĐT).
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại thuốc lá, bao gồm TLĐT và TLLN, đều là sản phẩm chứa nicotin là chất gây nghiện và nhiều chất hóa học có hại cho sức khỏe, bao gồm những chất gây ung thư. Các nghiên cứu khoa học đến nay cho thấy, việc giảm phơi nhiễm với các chất hóa học có hại trong TLTHM không làm cho sản phẩm trở nên vô hại hoàn toàn, cũng không chắc có khả năng làm giảm nguy cơ đối với sức khỏe con người. Do vậy, cần thêm thời gian để tiến hành nghiên cứu toàn diện đối với các sản phẩm này.
Đến nay, các cảnh báo sức khỏe luôn nhấn mạnh, bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào cũng đều đặc biệt rủi ro với trẻ em và thanh thiếu niên. Vì thế, WHO yêu cầu những sản phẩm TLTHM vẫn phải tuân thủ các biện pháp chính sách và quy định áp dụng theo hướng dẫn của WHO, phù hợp với Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Hiện nay, tại Việt Nam, các sản phẩm TLTHM chưa được nêu trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (được ban hành năm 2012). Từ năm 2017, Chính phủ đã có yêu cầu các bộ ngành cần xây dựng chính sách quản lý đối với sản phẩm TLTHM. Cuối năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với các sản phẩm này.
Theo luật sư Tạ Minh Trình (Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM), tại Việt Nam, việc mua bán thuốc lá rất dễ dàng, trẻ vị thành niên cũng có thể mua. Do đó, việc quản lý mua bán thuốc lá cần phải chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với TLTHM.
![Luật sư Tạ Minh Trình - Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/01/18/Picture1-7270-1642498922.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o_9IUVZ1vKB6vEBg9PlPvw)
Luật sư Tạ Minh Trình - Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM.
"Vào thời điểm năm 2012, các nhà lập pháp chưa hình dung được các dạng của thuốc lá hiện đại. Theo đó, Luật tại thời điểm này định nghĩa rõ thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng sợi hoặc tấm đã sơ chế. Như vậy, để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, chúng ta phải xem nó có thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hay không. TLLN dù là thiết bị điện tử nhưng nguyên liệu được làm nóng để tạo ra nicotin là từ lá thuốc lá. Đối chiếu với định nghĩa trên, sản phẩm này phù hợp với dạng "thuốc lá khác" thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành", luật sư Trình nhận định.
Ngọc Phượng