Tôi là tác giả bài "Tôi có quá khắt khe với vợ". Ở bài viết trước, tôi viết khá dài và có nhiều con số nên có thể độc giả chưa hiểu hết câu chuyện của tôi. Hôm nay tôi xin viết bổ sung một số chi tiết để độc giả hiểu rõ hơn.
Thứ nhất, về chuyện đóng sinh hoạt chung (chỉ để mua thức ăn và đóng điện nước), tôi đề xuất với vợ số tiền sinh hoạt nhiều hơn hiện tại nhưng chính vợ nằng nặc nói số tiền như vậy là đủ nên chúng tôi chốt con số là mỗi người ba triệu đồng mỗi tháng. Trước đây tôi đóng hai hoặc ba phần tùy tháng, còn vợ đóng một phần. Nhưng từ hồi quyết định tăng tốc trả hết nợ ngân hàng trong năm nay, tôi bàn với vợ sẽ đóng bằng nhau trong khoảng thời gian này.
Thứ hai, tất cả tiện nghi trong gia đình tôi đã có đầy đủ, không thiếu thứ gì, máy giặt tôi mua từ hồi mới mua nhà, chỉ có máy rửa bát là chưa mua vì căn nhà tôi hiện tại có không gian bếp vừa phải, không đủ diện tích đặt thêm máy rửa bát, các loại thiết bị điện tử khác đã chiếm hết chỗ rồi. Tất cả thiết bị điện tử trong nhà, tôi đều mua của những thương hiệu nổi tiếng và chất lượng.
Thứ ba, tôi muốn giải thích rõ về việc phân bổ thu nhập của mình như thế nào. Vì mục tiêu của chúng tôi là trả hết nợ ngân hàng trong năm nay, rồi năm sau tích lũy để mua xe con, năm sau nữa sinh bé đầu, nếu vợ sinh thì phải đi bệnh viện quốc tế nên tôi đã phải cân đối và tính toán lại cách chi tiêu của mình và gia đình để có khoản tích trữ cho những việc lớn. Do vợ chồng tôi chỉ có thu nhập từ lương và chưa có khoản thu nhập bên ngoài.
Thu nhập từ lương của tôi gần 44 triệu đồng mỗi tháng, còn vợ khoảng 9-9,5 triệu đồng. Tôi sử dụng lương của mình vào ba mục đích. Mỗi tháng trả ngân hàng khoảng 30 triệu đồng. Phần chi tiêu của tôi là 10 triệu đồng trong đó bao gồm: 2,2 triệu đồng tiền thuốc hàng tháng (tôi phải uống thuốc cả đời), gần một triệu tiền lãi ngân hàng (trước đó số tiền lãi nhiều hơn, khoảng 2-3 triệu tiền lãi), đóng tiền sinh hoạt chung với vợ ba triệu đồng, số còn lại tôi dùng để tiêu cá nhân và ăn ở đi lại xe cộ cho những chuyến công tác.
Phần còn lại gần bốn triệu đồng, tôi để vào tài khoản dự phòng để dùng cho những mục đích sau: đình đám hai bên, mua sắm đồ đạc cho gia đình, sửa chữa xe cộ của hai vợ chồng, đi ăn đi chơi nhà hàng, xem phim của hai vợ chồng, ốm đau của gia đình, hoặc khi vợ hết tiền hoặc quỹ chung hết thì tôi chuyển khoản cho vợ. Trong trường hợp nếu tôi dự trù số tiền bốn triệu đồng này không đủ cho tháng đó, tôi sẽ giảm số tiền trả nợ ngân hàng của tháng đó lại.
Số tiền chúng tôi trả nợ cho ngân hàng sau hôn nhân (285 triệu đồng) chiếm 1/12 giá trị tổng của căn nhà. Tôi không phải là người ki bo với vợ như mọi người nghĩ. Chẳng hạn khi thấy điện thoại của vợ cũ quá rồi, tôi bảo "em mua điện thoại mới đi, tháng này anh có tiền thưởng". Buổi trưa tôi nhắn tin cho vợ, tối hôm đó tôi chở vợ đi mua hẳn điện thoại gần 30 triệu đồng luôn. Hoặc khi thấy vợ hết nước hoa, tôi mua cho vợ luôn lọ nước hoa hàng hiệu hơn hai triệu đồng, dĩ nhiên là bằng nguồn tiền chi tiêu của tôi. Khi thấy vợ bị bệnh, em nói không sao, tôi bắt em phải lên xe tôi chở đến bệnh viện trung ương để khám chữa. Ngày lễ, ngày đặc biệt, tôi đều chuyển khoản cho vợ một vài triệu.
Vợ tôi không biết quản lý chi tiêu, cứ đầu tháng nhận lương là em mua cả đống quần áo hoặc túi xách. Em cứ mặc được một thời gian ngắn là lại bỏ đi hoặc mang đi cho. Tôi nói nhiều với em về vấn đề này nhưng em không thay đổi. Tôi nói em nên đặt hạn mức cho việc mua sắm quần áo. Đó là lý do tôi chưa muốn cho em quản lý tài chính gia đình trong giai đoạn này.
Thứ tư là vấn đề việc nhà. Tôi thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, ăn uống xong là tôi dọn dẹp ngay, vì bản tính là người làm việc ngăn nắp, gọn gàng. Tôi phụ vợ nấu cơm khi có thể chứ không phải mọi thứ đều để vợ làm. Còn việc rửa bát và cho quần áo vào giặt, hồi đầu mới về, cứ ăn xong là vợ lên giường nằm nhắn tin, chat chit mà không dọn dẹp gì làm tôi rất bực. Tính vợ khá trẻ con nên tôi phải nói dần dần. Bây giờ chưa có con, ăn xong, em phải rửa bát. Nhà cửa, bàn ghế đã không dọn dẹp rồi, cái bát cũng để cho chồng rửa nốt thì không thể chấp nhận được.
Còn về đời sống tinh thần, vợ thích đi ăn uống với bạn bè, tôi không cấm, miễn em đừng về quá muộn lúc nửa đêm. Vợ thích đi ăn uống, xem phim ở đâu, tôi cũng đưa đi, đi đâu cũng phải chụp ảnh mỏi tay cho em đăng mạng xã hội. Em thích ngủ mấy giờ dậy là tùy, tôi không bao giờ để ý mấy chuyện đó. Phần tiền tôi tiết kiệm được cũng chỉ để dùng cho việc chung chứ không dùng cho mình tôi. Đối với gia đình hai bên, tôi đều không tiếc gì, tiền biếu nội ngoại, anh em hai bên, tôi đều đưa cho em để mua quà biếu hoặc cho tiền mọi người. Nói chung về chi tiêu của vợ chồng tôi, tổng số hiện tại mỗi tháng khoảng 20 - 25 triệu đồng.
Tôi nhận thấy bản thân có vẻ thích kiểm soát người khác. Có lẽ là hồi còn nhỏ ở với bố mẹ, tôi phải chứng kiến chú ruột (chú út trong gia đình) của mình có vợ tiêu hoang. Thím biết bố mẹ tôi thương và hay cưu mang chú, lo cho chú còn hơn cả lo cho con ruột nên bòn rút tiền của bố mẹ tôi về để lo cho gia đình bố mẹ đẻ của thím. Chú tôi giỏi toán và có trí nhớ tốt nhưng kinh tế gia đình lại không nắm được, hạch toán sau mỗi năm làm ăn buôn bán đều có lãi nhưng khi tổng quyết toán lại toàn lỗ, nhiều lần vỡ nợ khiến bố mẹ tôi phải đi vay mượn để lo cho chú. Điều này làm ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận của tôi.
Tôi mới lấy vợ, dĩ nhiên kinh nghiệm cuộc sống gia đình còn chưa nhiều và cần phải học hỏi, thay đổi. Mỗi lời bình luận của độc giả ở bài trước, tôi đều đọc kỹ và suy nghĩ xem mình chưa được ở điểm nào để thay đổi bản thân. Tôi cảm ơn tất cả góp ý của mọi người.
Thành Đạt
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc