Bé học hành tốt, làm lớp trưởng và tham gia nhiều hoạt động ở trường, được nhiều bạn trai trong lớp và các anh lớp lớn để ý. Gần đây theo dõi Facebook của bé, em biết cháu và một học sinh lớp 8 đang hẹn hò nhau. Hai khối học cùng một buổi.
Em nói gần nói xa: "Công việc hiện tại của con là lo học làm sao cho thật tốt, kết bạn để cùng cố gắng vươn lên trong học tập thì tốt chứ đừng bắt chước yêu đương là không được..." nhưng xem ra không có tác dụng gì với bé.
Mẹ của bé vì ngày trước lăng nhăng nên gia đình chồng không chấp nhận. Khi chia tay, anh chọn nuôi con dù tòa xử quyền nuôi thuộc về người mẹ, lúc đó bé mới 3 tuổi. Lúc em mới cưới, mẹ bé có đặt vấn đề cho bé về bên đó ở nhưng em không chịu vì chị ấy thường xuyên thay đổi chỗ ở lại có chồng mới. Em cũng phân tích cho bé hiểu ở cùng nhà với ba dượng là không an toàn, cha đẻ còn xâm hại tình dục con gái huống chi cha dượng. Thế là bé ở lại với vợ chồng em. Bé rất ngoan, biết tự lo cho bản thân và tự học.
Xin chuyên gia cho em lời khuyên nói chuyện với bé như thế nào để bé không còn hẹn hò yêu đương khi mới học lớp 6. Em là mẹ kế nên khó nói chuyện như mẹ đẻ của bé được. Em xin chân thành cám ơn! (Như)

Ảnh minh họa: nyt.com
Trả lời:
Tình yêu xuất phát từ tâm sinh lý con người cộng với hoàn cảnh thực tế của họ trong môi trường sống cụ thể sinh ra. Trước kia do đời sống kinh tế thiếu thốn nên tuổi dậy thì thường đến muộn hơn. Ngày nay nhờ đời sống kinh tế khá nên sinh lý phát triển sơm hơn, vì thế trẻ em dễ có tình yêu sớm hơn trước kia.
“Cháu gái 12 tuổi đang sống với vợ chồng bạn” có những biểu hiện “hẹn hò với một học sinh lớp 8” cũng là việc bình thường của trẻ vị thành niên hiện nay. Cái khó ở đây, bạn là mẹ kế nên bị giới hạn trong cách dạy cháu. Nếu bạn không khéo, làm cho cháu phật ý và hiểu lầm sẽ dẫn đến mâu thuẫn, mà mâu thuẫn đến độ nào đó cháu phản ứng thì rất phức tạp.
Bạn nói “công việc hiện tại của con là lo học làm sao cho thật tốt, kết bạn để cùng cố gắng vươn lên trong học tập thì tốt chứ đừng bắt chước yêu đương là không được...”, thì đây là câu nói sai lầm. Lẽ ra bạn phải theo dõi việc học tập của cháu xem có giảm sút gì không. Qua việc học của cháu, bạn nhận xét “sao lúc này con học giảm sút thế?” để cháu nói ra lý do vì đâu hoặc qua đó cảnh tỉnh cháu để cháu tự điều chỉnh. Còn bạn nói “công việc của con là lo học ...” thì tự bạn đã đụng đến những tình cảm riêng của cháu và vô tình tự thú “là người xem trộm Facebook”. Cháu đang là lớp trưởng và tham gia nhiều hoạt động ở trường nên cháu có bản lĩnh nhất định, vì thế bạn nói xa cháu biết nhưng không quan tâm nên bạn thấy “không có tác dụng gì với bé”.
Nếu cháu có biểu hiện học sa sút thì bạn báo với chồng để anh ấy nói với cháu, vì cha con có huyết thống mới tránh được sự nghi kỵ “dì ghẻ con chồng”. Bạn cũng cần nói cha của cháu hãy tế nhị và động viên cháu, nói cho cháu biết sự cám dỗ của tình yêu, những sai lầm khi yêu sớm.
Bạn tránh can thiệp trực tiếp vào những câu chuyện riêng của cháu. Bạn chỉ nên dạy cho cháu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm yêu đương, kinh nghiệm giữ mình... và làm thế nào để cháu thích nghe là thành công. Quan trọng là làm cho bé hiểu và chủ động trong tình cảm hơn là cấm đoán.
Chúc thành công.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM