Trước tiên cần phải khẳng định rằng với xu thế hiện nay, chính sách dần dần loại bỏ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có mức ô nhiễm cao là hoàn toàn phù hợp, và là con đường gần như duy nhất lúc này để cứu bầu không khí, bên cạnh những hành động khác liên quan tới các nguồn phát thải.
Tuy vậy, với người Việt Nam, vốn có thu nhập còn ở mức khiêm tốn, xe máy là phương tiện giao thông chính, thậm chí còn có ý nghĩa hơn cả một phương tiện, là "cần câu cơm" của nhiều người. Vì vậy, nếu nói cấm, sẽ cấm được ngay, nhưng theo tôi cao hơn việc cấm, là nên làm thế nào để người dân tự muốn bỏ xe xăng để chuyển sang các phương tiện giao thông khác, khi đó các chính sách sẽ đi vào đời sống một cách mượt mà, đồng thuận cao và không gây khó khăn cho người dân.
Vậy làm gì để người dân có thể bỏ xe xăng? Theo tôi cần có giải pháp đồng bộ ở tất cả các khía cạnh, từ phương tiện thay thế, tổ chức giao thông tới chính sách hỗ trợ tài chính.
>> Khảo sát "Khi Hà Nội cấm xe máy xăng, bạn sẽ dùng phương tiện gì?"
Phương tiện công cộng là số một
Phương tiện công cộng mới là thứ có thể giải quyết được nhu cầu của số đông, chứ không phải xe điện cá nhân. Với đặc trưng thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam, rõ ràng thay vì việc đội mưa đội nắng ngoài trời, thì ngồi trên xe buýt, tàu điện mát mẻ rộng rãi sẽ thích hơn chứ.
Nhưng hiện nay, tàu điện thì mới có vài tuyến, không vài sâu trong vùng lõi của các phố trung tâm hành chính, xã hội, hay nôm na là chốn ăn uống, vui chơi quen thuộc của người dân. Xe buýt thì thường xuyên quá tải, thời gian chờ đợi lâu và an ninh trên xe buýt cũng là một vấn đề lớn.
Vậy nên, đơn giản nhất là thành phố sớm nâng cấp đội xe buýt. Với phố nhỏ có thể nghiên cứu phương án dùng xe nhỏ, thay vì xe nào cũng to đùng đoàng như hiện nay, chiếm nhiều diện tích trên đường. Đội xe buýt này đương nhiên phải là xe điện. Còn về lâu dài, để đi xa qua các vành đai, phải có tàu điện hoặc xe buýt nhanh (bỏ tuyến).
Phát triển hạ tầng cho người đi xe đạp, đi bộ
Đầu tiên cần nói ngay là đi xe đạp và đi bộ sẽ rất khó để có thể phổ biến như những nước khác. Vì: thời tiết quá khắc nghiệt, giao thông và tập quán xây dựng, sinh hoạt ưu tiên phương tiện cơ giới. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm. Đặc biệt ở các khu vực đã cấm xe máy xăng, hãy song song phát triển luôn hạ tầng cho người đi bộ. Với thời tiết nóng như Hà Nội, tốt nhất là đường xe đạp và đi bộ cần có bóng mát, có thể đến từ cây cối, hoặc mái che cố định.
Xe điện phải là một món hời
Xe điện không phải là phương tiện cá nhân bắt buộc để thay thế xe xăng mà phải là một lựa chọn cực kỳ hấp dẫn thì mới đảm bảo người dân hài lòng, mong muốn thay đổi. Để xe điện là một món hời, đầu tiên là chi phí mua xe phải rẻ hơn xe xăng (do hãng định giá hoặc chính quyền trợ giá). Tiếp theo, hệ thống trạm sạc phải rộng khắp và phải được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo luôn hoạt động và an toàn cho người sử dụng.
Với người ở chung cư không có chỗ cắm sạc, thậm chí các hãng nghiên cứu các quầy đổi pin ven đường giống các hãng xe máy ở Trung Quốc, Đài Loan. Chỉ cần 1-2 phút là có thể thay cục pin mới, thanh toán và đi tiếp, đây mới là không lo lắng về trạm sạc.
Ngoài ra, việc sử dụng cũng cần có những ưu tiên. Ví dụ nơi đỗ, phí đỗ, nơi dừng chờ đèn đỏ ở giao lộ... Tất cả đều phải cho thấy được rằng nếu bạn đi xe điện, bạn sẽ nhận được hàng tá lợi ích so với xe xăng.
Ngoài ra, những lo ngại của người dùng về các vấn đề an toàn, cháy nổ cũng phải được các hãng sản xuất và cơ quan quản lý đảm bảo. Ví dụ: thắt chặt việc quản lý các cửa hàng độ pin, thiết bị cho xe điện. Đảm bảo các nhân viên trông giữ có khả năng và thiết bị chữa cháy đặc thù dành cho xe điện.
Cuối cùng, một vấn đề không nhỏ, có thể không liên quan trực tiếp tới người dùng, nhưng sẽ khiến người dùng tin yêu hơn vào xe điện, đó là vấn đề xử lý pin sau khi hết hạn. Nếu các hãng sản xuất công khai các phương án xử lý pin, và các phương án đó rất gần gũi đời sống, quay trở lại phục vụ cho người dân thì thực sự tuyệt vời. Tôi ví dụ như có thể dùng pin đã chai một phần để trữ điện cho những khu vực thường xuyên không có điện.
Đây là một vài ý kiến từ quan điểm của tôi. Chỉ khi những phương án thay thế có lợi ích vượt trội, lúc ấy người dân mới chủ động bỏ xe xăng, dầu mà không gặp phải những trở ngại trong cuộc sống. Hy vọng sắp tới Hà Nội, và sau này là cả nước, sẽ có những biện pháp hiệu quả để chúng ta được hưởng bầu không khí trong lành, thân thiện và an toàn.
Độc giả Nguyễn Cương