![People hold up signs during a tribute to the victims of the shootings by gunmen at the offices of the satirical weekly newspaper Charlie Hebdo in Paris, in Medellin January 11, 2015. French citizens will be joined by dozens of foreign leaders, among them Arab and Muslim representatives, in a march on Sunday in an unprecedented tribute to this week's victims, including journalists and policemen, following the shootings by gunmen at the offices of the satirical weekly newspaper Charlie Hebdo, the killing of a police woman in Montrouge, and the hostage taking at a kosher supermarket at the Porte de Vincennes. The signs read,](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/01/16/tag-reuters-7022-1421384066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rozlAxR4e7QEo0RQsHXDpQ)
Người dân cầm khẩu hiệu có dòng chữ "Je Suis Charlie" trong một buổi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo tổ chức ở thành phố Medllin, Colombia. Ảnh: Reuters.
"Je Suis Charlie" (Tôi là Charlie) đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho tự do ngôn luận từ sau vụ tấn công đẫm máu hôm 7/1 nhằm vào tạp chí trào phúng Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng. Cụm từ, với dòng chữ màu trắng và xám trên nền đen, đang trở thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ cơ hội. Nó được in trên mọi thứ từ cốc cà phê tới áo phông.
AFP dẫn thông tin từ cơ quan cấp bằng sáng chế Pháp cho biết họ đã từ chối 120 đơn xin cấp chứng nhận, trong đó có hai trường hợp muốn sử dụng cụm từ "Je Suis Charlie" để hỗ trợ bán vũ khí.
Joachim Roncin, nhà thiết kế đồ họa 39 tuổi tại tạp chí Stylist, là người đã sáng tạo ra "Je Suis Charlie". Ông cảm thấy khiếp sợ với xu hướng thương mại hóa cụm từ.
"Thành thật mà nói, tôi thực sự bị tổn thương bởi việc mà những người muốn kiếm tiền từ cụm từ đã làm. Nó làm suy giảm giá trị ý nghĩa của khẩu hiệu", ông Roncin nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi đang làm việc với các luật sư để chống lại điều này nhiều nhất có thể, để đảm bảo rằng khẩu hiệu chỉ có mục đích duy nhất là ủng hộ tự do ngôn luận".
Myriam Sebban, luật sư của Roncin, cho biết thân chủ của bà "sẽ dựa vào yếu tố bản quyền để cố gắng và kiểm soát việc sử dụng khẩu hiệu, đồng thời giữ cho thông điệp ban đầu nguyên vẹn" bằng cách hợp tác với Charlie Hebdo. Roncin không muốn thu lợi từ sử dụng cụm từ, bà Sebban nói.
Roncin cùng các đồng nghiệp cũng đang trong một cuộc họp khi hai tay súng xông vào tòa soạn Charlie Hebdo, hét lớn "Allahu Akbar" (đấng tối cao vĩ đại) rồi nã đạn. Một đồng nghiệp của Roncin đọc được thông tin vụ việc trên Twitter và Roncin có cảm hứng vẽ ra biểu tượng.
"Tôi không nghĩ rằng điều tôi nói sẽ có ảnh hưởng như vậy. Tôi tạo ra hình ảnh này để bày tỏ nỗi đau của bản thân và tôi bị sốc khi có vụ tấn công nhằm vào các nhà báo", Roncin nói. Những diễn biến tiếp theo, như cách mọi người mô tả, mang tính lịch sử bởi khẩu hiệu "Je Suis Charlie" nhanh chóng lan truyền trên Internet và phát triển thành một phong trào.
Các bản sao số đầu tiên của Charlie Hebdo còn xuất hiện trên eBay với giá hàng nghìn USD sau vụ tấn công, buộc trang mua bán trực tuyến này phải thông báo sẽ chuyển lợi nhuận thu được về cho tạp chí.
Như Tâm