Đền thờ được xây dựng trong khuôn viên di tích lịch sử quốc gia chúa Nguyễn tại làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Công trình khởi công năm 2020, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Hiện công trình hoàn thành giai đoạn một với tổng đầu tư 3 tỷ đồng, gồm đền thờ, sân và đường bê tông, mộ hình con rùa... Đền xây theo lối kiến trúc triều Nguyễn nhằm bảo tồn văn hóa chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.
Sau khi đền hoàn thành, bức tượng đồng thái phó Nguyễn Ư Dĩ ở ngôi miếu cũ tại làng Trà Liên được rước vào đền để thờ tự.

Người dân thắp hương trong đền thờ thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ảnh: Hoàng Táo
Tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng ở tư thế ngồi ghế thấp, cao 0,62 m, phần vai rộng 0,3 m. Mặt tượng chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to, đội mũ quan hai lớp, chân đi hia để lộ phần mũi.
Toàn thân tượng được khoác tấm áo choàng rộng phủ từ vai xuống, vắt trên hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Trọng lượng pho tượng ước 200 kg.
Pho tượng được một số nhà nghiên cứu cho rằng thuộc phong cách mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ 16). Hàng trăm năm qua, người dân làng Trà Liên thờ tự pho tượng này, xem đây là báu vật.
Ông Nguyễn Thành Vũ, Phó chủ tịch huyện Triệu Phong, cho hay nhiều năm qua, nhân dân Triệu Phong luôn tìm mọi cách xây dựng đền thờ ngài thái phó Nguyễn Ư Dĩ nhằm tưởng nhớ công ơn. Đến nay, đền hoàn thành, trở thành công trình văn hóa tâm linh, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.
"Địa phương sẽ khai thác hợp lý, biến nơi đây thành điểm tri ân tiền nhân, giáo dục thế hệ trẻ. Việc khánh thành đền góp phần từng bước phục hồi hệ thống di tích chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong", ông Vũ nói.
Theo sử sách, thái phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột, nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ lúc 2 tuổi. Thấy cháu "tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ", biết là bậc phi thường nên người cậu khuyên sớm kiến công lập nghiệp. Năm 1558, Nguyễn Hoàng khi ấy 34 tuổi được Nguyễn Ư Dĩ phò tá, mang theo gia quyến và hàng nghìn đồng hương thân tín vào chọn đất Ái Tử (nay là huyện Triệu Phong) lập dinh trại.
Nhờ danh tiếng của Nguyễn Ư Dĩ mà hào kiệt tìm về, biến vùng đất này thành nơi màu mỡ, trù phú. Ái Tử trở thành kinh đô đầu tiên của Đàng Trong trong suốt 68 năm (từ 1558 đến 1626), gắn liền với tên tuổi chúa Nguyễn Hoàng và công lao của Nguyễn Ư Dĩ.
Khi Nguyễn Ư Dĩ mất đi, ông được đúc tượng đồng để thờ. Trải qua hơn 400 năm, bức tượng trở thành linh vật của làng Trà Liên.