Đầu tháng 7, công trình xây kè sông đoạn qua khu vực chợ nổi Cái Răng đang được thi công. Ở những đoạn đã làm xong, bờ kè cao 3-4 m so với mạn tàu, tiểu thương trên sông phải bắc thang gỗ để lên xuống, vận chuyển hàng hóa. Gần đó lác đác ghe buôn bán nông sản, thức ăn, nước uống và tàu chở khách tham quan.
Trên ghe gỗ bán bí rợ neo tại chợ nổi, bà Nguyễn Thị Thắm, 45 tuổi, cho biết gia đình có 20 năm làm ăn ở đây, nhưng 2-3 năm qua là thời điểm khó khăn nhất. Khi Covid-19 được kiểm soát, khống chế, bờ kè dọc chợ nổi được xây dựng đứng. Điều này khiến các bến bãi tập kết hàng không còn thuận tiện như trước, vựa cũng bị giải toả, đi mất.
"Bây giờ chúng tôi phải thuê xe tải từ các nơi chở hàng lại đây, bắc thang gỗ 5-7 m để chuyền bí xuống ghe rồi đưa ra sông neo bán. Việc này tốn nhiều thời gian, chi phí", bà Thắm nói và cho biết giờ bán 5-7 tấn bí mất cả tuần, trong khi trước đây chỉ 1-2 ngày. Đường lên bờ cách trở, buôn bán ế ẩm, không ít bạn hàng của bà Thắm đã bán ghe, lên bờ mua xe tải làm ăn.
Khó khăn của bà Thắm là tình trạng chung của các tiểu thương chợ Cái Răng từ khi dự án kè chống sạt lở bờ sông Cần Thơ triển khai vào năm 2018. Dự án dài gần 5,2 km, tổng vốn 810 tỷ đồng. Trong đó, đoạn phía bờ bắc từ cầu Cái Sơn (quận Ninh Kiều) đến khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) gần 2,8 km; đoạn phía bờ nam từ cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (quận Cái Răng) và kéo dài về hướng huyện Phong Điền, dài hơn 2,4 km.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư) cho biết đến nay dự án kè đạt 77%, hiện còn 500 m mặt bằng phía quận Ninh Kiều chưa được bàn giao. Dự án kè tại khu vực này nằm trọn chiều dài hơn một km của chợ nổi Cái Răng. Khi bờ kè xây lên làm xáo trộn không gian mua bán, sinh hoạt của tiểu thương gắn bó nhiều năm tại chợ trên sông lớn nhất miền Tây.
Dự án có xây dựng khu vực bậc thang (dài khoảng 10 m) cho người dân lên xuống tại phía bờ Cái Răng. Tuy nhiên, tiểu thương phản ánh đường lên xuống này quá nhỏ so với nhu cầu của nhiều ghe, tàu và hàng hóa mỗi ngày. Điều kiện không thuận lợi, số ghe thuyền ở chợ vắng dần, mỗi ngày khoảng 100 chiếc, có hôm 30-50 chiếc, giảm nhiều so với 500-600 ghe, thuyền những năm trước.
"Bờ kè đang được xây quá cao khiến nhiều tàu, thuyền tải trọng hàng chục tấn (ghe nái) không thể bốc dỡ đưa hàng hoá lên các vựa trên bờ", ông Nhâm Hùng - nhà nghiên cứu văn hoá Nam Bộ nói. Khi việc giao thương không thuận lợi, mất nhiều thời gian, chi phí, thương hồ bỏ đi nơi hoặc lên bờ mưu sinh bằng nghề khác, dẫn đến nguy cơ tan rã chợ.
Chợ nổi hình thành cách đây hơn 100 năm trên sông Cần Thơ, ngoài thu hút đông đảo thương hồ buôn bán nông sản, còn là điểm yêu thích của du khách khi tới miền Tây. Mỗi năm chợ đón hàng triệu lượt du khách tham quan. Năm 2016, chợ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND quận Cái Răng Nguyễn Quốc Cường nhìn nhận chợ nổi bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng bờ kè sông. Dự án đã phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền", triệt tiêu tiểu thương trên bến, phân tán thương hồ, khiến cảnh mua bán không còn nhộn nhịp.
Trước khó khăn nói trên, vừa qua quận đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu tàu, điểm dừng chân, bãi xe, bến hàng hóa tại chợ nổi với kinh phí gần 35 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Từ cuối tháng 6, UBND TP Cần Thơ quyết định lập Ban quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng. Trước mắt, ban sẽ xây dựng đề án gìn giữ và phát triển kinh doanh, du lịch ở chợ nổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
An Bình