Các quan chức an ninh Iran, trong đó có những chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), hồi tháng 5 nhóm họp ở một căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt tại thủ đô Tehran. Chủ đề chính của cuộc họp là bàn cách đáp trả Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khiến Tehran gặp khó khăn.
Tư lệnh IRCG Hossein Salami khẳng định "đã đến lúc rút gươm và dạy cho Mỹ một bài học", Reuters hôm 25/11 dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết. Cuộc họp diễn ra chỉ 4 tháng trước cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa làm tê liệt nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới ở Arab Saudi.
Nhà máy của Aramco khi bị tấn công sáng 14/9. Video: CBS News.
Thông tin do ba quan chức am hiểu tình hình và một người biết rõ quá trình ra quyết định của Iran cung cấp, lần đầu tiên mô tả vai trò của Tehran trong vụ tập kích hai nhà máy lọc dầu của Aramco. Phát ngôn viên IRCG từ chối bình luận, trong khi Iran liên tục bác bỏ mọi mối liên quan tới vụ tấn công.
Phiến quân Houthi ở Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, nhưng giới chức Mỹ và Arab Saudi bác bỏ khả năng này, cho rằng mức độ tinh vi của cuộc tấn công cho thấy vai trò và sự can dự của Iran.
Theo các nguồn tin này, các cuộc họp diễn ra bên trong căn cứ quân sự ở phía nam Tehran. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tham dự và chủ trì ít nhất một buổi thảo luận. Yahya Rahim Safavi, cố vấn quân sự hàng đầu của Khamenei và Qasem Soleimani, chỉ huy phụ trách các chiến dịch mật của IRCG cũng có mặt.
Các chỉ huy theo đường lối cứng rắn đã đề xuất kế hoạch tấn công các mục tiêu giá trị cao tại Trung Đông, gồm một cảng biển ở Arab Saudi, một sân bay và căn cứ quân sự Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch tập kích căn cứ Mỹ cuối cùng bị bác bỏ do các lãnh đạo Iran lo ngại về nguy cơ gây thương vong lớn, khiến Mỹ và Israel trả đũa và đẩy khu vực vào xung đột toàn diện.
Kế hoạch thay thế được đưa ra là tiến hành cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào các nhà máy dầu của Arab Saudi. "Quyết định tấn công nhà máy Aramco gần như đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, bởi nó phô diễn được tiềm lực quân sự và khả năng tấn công thọc sâu của Iran", nguồn tin tiết lộ.

Các vị trí bị tấn công tại nhà máy Abqaiq hôm 14/9. Ảnh: Digital Globe.
Việc tấn công nhà máy lọc dầu của Aramco cũng có thể thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho đối thủ và truyền tải được thông điệp mạnh mẽ đến Washington. Lãnh tụ Khamenei dường như đã phê duyệt chiến dịch với điều kiện IRGC tránh tấn công gây thương vong dân thường và công dân Mỹ.
Arab Saudi trở thành mục tiêu bởi nước này là đối thủ chính của Iran trong khu vực, cũng như là cường quốc trong ngành dầu mỏ, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới. Riyadh còn là đối tác an ninh quan trọng của Washington tại Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ khó can thiệp quân sự để hỗ trợ Arab Saudi sau đòn tập kích bởi quan hệ song phương đang gặp trở ngại do vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi được phê duyệt kế hoạch tấn công nhà máy lọc dầu Arab Saudi, các chỉ huy quân đội Iran đã làm công tác chuẩn bị trong vài tháng. "Chi tiết kế hoạch được bàn thảo kỹ trong ít nhất 5 cuộc họp, trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra đầu tháng 9", một quan chức giấu tên tiết lộ.

Khói lửa bốc lên từ nhà máy Aramco sau vụ tấn công hôm 14/9. Ảnh: Reuters.
Vụ tấn công là hành động leo thang trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi mục tiêu dài hạn là rút bớt quân Mỹ khỏi Trung Đông. Vài ngày sau tuyên bố đột ngột rút lính Mỹ khỏi miền bắc Syria, chính quyền Trump thông báo kế hoạch triển khai tiêm kích, hệ thống tên lửa Patriot và 2.800 binh sĩ đến Arab Saudi để tăng cường năng lực phòng thủ cho nước này.
"Đừng tấn công một nước có chủ quyền, đừng đe dọa các lợi ích của Mỹ và quân đội Mỹ, nếu không chúng tôi sẽ đáp trả", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Iran trong một cuộc họp báo giữa tháng 10.
Giới chuyên gia đánh giá Iran đã tính toán chính xác khi cho rằng Mỹ sẽ không mạo hiểm phát động xung đột quân sự chỉ để bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ của Arab Saudi. "Những người theo đường lối cứng rắn ở Iran tin rằng tuyên bố của Trump trên Twitter chỉ là đòn gió và họ sẽ không phải trả giá về quân sự hoặc ngoại giao", Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đánh giá.
Duy Sơn (Theo Reuters)