
Cảnh sát Hong Kong được triển khai để trấn áp người biểu tình ngày 12/6. Ảnh: Reuters.
Liên minh châu Âu (EU) hôm nay tuyên bố "chia sẻ mối quan ngại của người dân Hong Kong liên quan tới dự luật dẫn độ sửa đổi của chính quyền", đồng thời kêu gọi tôn trọng quyền của người dân đặc khu hành chính này. Theo EU, dự luật có thể gây ra "những hệ quả sâu xa tiềm tàng đối với Hong Kong và người dân, với EU và công dân nước ngoài, cũng như niềm tin vào việc kinh doanh tại Hong Kong".
Đây là phản ứng mới nhất của dư luận quốc tế trong làn sóng gây sức ép ngày càng lớn với chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, sau khi thành phố này chứng kiến hai cuộc biểu tình bạo lực liên quan đến dự luật dẫn độ. Ít nhất 76 người đã bị thương khi cảnh sát sử dụng đạn cao su, hơi cay để trấn áp người biểu tình bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm qua.
Nếu dự luật được thông qua, những người sống ở Hong Kong đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong phải chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp lý khác.
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng việc đảm bảo dự luật dẫn độ sửa đổi của Hong Kong không vi phạm thỏa thuận Anh - Trung năm 1997, khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, là vấn đề "tối quan trọng". Phát biểu tại quốc hội Anh, bà May bày tỏ quan ngại về "những tác động mà dự luật có thể gây ra cho nhiều công dân Anh đang ở Hong Kong".
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố ông có thể "hiểu lý do của cuộc biểu tình" rầm rộ ở Hong Kong và bày tỏ hy vọng chính quyền đặc khu sẽ phối hợp tốt với Bắc Kinh để giải quyết một cách hiệu quả vấn đề này. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế và không có hành động bạo lực".
Hàng chục nghìn người Hong Kong sáng 12/6 tràn xuống các con đường chính ở đặc khu này để biểu tình phản đối cuộc họp dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự". Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong sau đó quyết định hoãn buổi thảo luận dự luật, song người biểu tình tuyên bố sẽ không rút lui cho đến khi dự luật bị hủy bỏ.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam lên tiếng chỉ trích những người biểu tình và cho rằng đây không còn là biểu tình ôn hòa nữa mà là hành động xúi giục gây bạo loạn có tổ chức, đe dọa sự an toàn của người dân Hong Kong. Hội đồng Lập pháp Hong Kong chưa ấn định ngày tổ chức phiên họp để thảo luận về dự luật dẫn độ.
Mai Lâm (Theo AFP)