Chiều 10/8, trong lúc vệ sinh ngư cụ sau một ngày đánh bắt thủy sản, bà Nguyễn Thị Thản, 61 tuổi cùng vài người khu Nam Hải, phường Văn Đức, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương bàn tính việc chuyển khẩu về thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh dù không hề rời đi nơi khác sinh sống.
Theo thống nhất giữa hai tỉnh, khu dân cư Nam Hải sẽ sáp nhập vào xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Xóm Trại Chẹm, thôn Trạm Lộ của thị xã Kinh Môn, Hải Dương cũng nhập vào xã Nguyễn Huệ và xã Thủy An của thị xã Đông Triều. Ngược lại, một phần thôn Sơn Lộc của xã An Sinh, thị xã Đông Triều sẽ được chuyển về TP Chí Linh. Tổng số dân sẽ thay đổi địa giới hành chính là 1.013, trong đó khu Nam Hải đông nhất.
Nằm ven sông Kinh Thầy, dải đất khu Nam Hải ở vị trí tiếp giáp giữa thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, một số người làm nghề chài lưới ở tỉnh Hải Dương đến đây định cư lập ra làng chài Nam Hải.
![Khu Nam Hải và xóm Trại Chèm (vùng khoanh đỏ) thuộc tỉnh Hải Dương sẽ được sáp nhập vào tỉnh Quảng Ninh từ ngày 1/9. Ảnh: Gmap](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/11/sap-nhap1-8851-1691740688.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wu8KB_gi7JOkBCIWAu4nOQ)
Khu Nam Hải và xóm Trại Chèm (vùng khoanh đỏ) thuộc tỉnh Hải Dương sẽ được sáp nhập vào tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Gmap
Người Nam Hải sau đó xâm cư một phần đất của xã Nguyễn Huệ. Năm 1961, huyện Đông Triều được nhập vào tỉnh Quảng Ninh. Năm 1996, địa giới hành chính hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh được xác lập với ranh giới là sông Kinh Thầy. Đất Nam Hải chính thức thuộc Quảng Ninh. Nhưng về mặt hành chính, người Nam Hải vẫn thuộc xã Kênh Giang, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 2019, Nam Hải trở thành một khu dân cư thuộc phường Văn Đức, TP Chí Linh.
Theo các cụ cao niên, người dân Nam Hải luôn bị mang tiếng là dân sông nước lên ăn nhờ ở đậu trên đất xã Nguyễn Huệ. Nhiều cuộc tranh chấp giữa người dân hai địa bàn đã xảy ra vì "không ưa nhau". Năm 1978, quân đội phải về mới dẹp được cuộc xung đột căng thẳng giữa hai bên.
Cả khu Nam Hải có 198 hộ dân, nhưng không hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người trong thôn chủ yếu làm nghề vận tải đường thủy hoặc đánh bắt thủy sản. "Mỗi lần đầu tư tàu thuyền tốn hàng tỷ đồng nhưng chỉ vay được 50 triệu vì nhà không thể thế chấp", ông Đào Văn Hè kể. Để có vốn làm ăn, ông Hè vay vàng người quen, đến khi trả nợ vàng tăng giá gấp ba lần.
Năm 2009, xã Kênh Giang triển khai dự án tái định cư cho hộ dân làm nghề chài lưới ở khu dân cư Nam Hải. Đề án được phê duyệt nhưng không thể thực hiện do diện tích đất tái định cư nằm trong địa giới hành chính xã Nguyễn Huệ của thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. "Mấy chục hộ dân hiện vẫn lênh đênh sông nước, trong khi đất ở để không", bà Nguyễn Thị Huyền, trưởng khu Nam Hải, cho biết.
Do mang thân phận ở nhờ, trẻ em Nam Hải nhiều năm phải học nhờ trường THCS, THPT xã Nguyễn Huệ hoặc Thủy An của thị xã Đông Triều. "Từ khi Nam Hải sáp nhập vào xã Văn Đức, TP Chí Linh, chúng tôi không được học nhờ nữa. Trẻ phải đi xa hơn 6 km mới tới trường học. Để an toàn, mỗi nhà đóng 300.000 đồng/tháng thuê xe đưa đón học sinh", bà Nguyễn Thị Thảo cho hay.
Cũng giống như người dân ở Nam Hải, ông Đỗ Văn Quy, 62 tuổi, ngụ xóm Trại Chèm cùng 54 hộ khác là một phần của thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, tỉnh Hải Dương. Năm 19 tuổi, ông Quy từ Hải Dương vượt sông Kinh Thầy sang phía Đông Triều khai hoang dựng nhà, làm ruộng. Ngày ấy, nơi này hoang vu. Đất rộng, người thưa nên người dân thích khai hoang chỗ nào cũng được, không ai quan tâm tới tầm quan trọng của địa giới hành chính.
Sau này ông Quy cũng như người dân Trại Chèm mới thấy sự bất tiện khi con sông Kinh Thầy chia đôi thôn Trạm Lộ. "Phần lớn diện tích và dân cư của thôn ở bên kia sông. UBND xã cũng bên đó, mỗi lần có công việc, chúng tôi phải đi đò hoặc đi đường vòng gần 10 km để sang, rất bất tiện", ông Quy chia sẻ.
![Ông Đỗ Văn Quy, người của thôn Trạm Lộ, tỉnh Hải Dương đã sống 43 năm trên đất Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tân](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/11/tham-dong-8364-1691742183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fZupGyPLaWcDwuRKa4ivHg)
Ông Đỗ Văn Quy, người của thôn Trạm Lộ, tỉnh Hải Dương đã sống 43 năm trên đất Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tân
Năm 2016, thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương khảo sát hiện trạng, xây dựng phương án báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư. Năm 2020, các xã, phường liên quan đã tổ chức một số cuộc họp lắng nghe nguyện vọng của người dân các khu vực này.
Tháng 7/2020, hai tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư đầu tiên. Hai bên thống nhất bàn giao các hộ dân đang sinh sống ở địa giới hành chính của địa phương nào về địa phương đó quản lý, góp phần ổn định đời sống người dân, đảm bảo công tác quản lý đất đai, nhân khẩu, địa giới hành chính. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, đến nay việc bàn giao, tiếp nhận các khu vực xâm canh, xâm cư mới diễn ra.
UBND hai tỉnh thống nhất giao chính quyền các cấp bàn giao, tiếp nhận theo từng lĩnh vực, đảm bảo những nơi mới được thay đổi hoạt động theo đơn vị hành chính mới kể từ ngày 10/8.
Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, đánh giá việc bàn giao các khu vực xâm canh, xâm cư là cần thiết. Mục tiêu cao nhất vẫn là ổn định tâm lý, tình cảm, cuộc sống, thực sự mang lại hạnh phúc cho nhân dân các khu vực được bàn giao, tiếp nhận. Trước mắt chính quyền các cấp sẽ nhanh chóng hoàn thành việc chuyển đổi giấy tờ, thủ tục cần thiết cho học sinh bước vào năm học mới. Học sinh được học ở các trường theo nguyện vọng cho đến khi chuyển giao xong.
Là nơi tiếp nhận nhiều dân nhất, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ, ông Nguyễn Văn Trung cho biết sẽ cùng với các phường, xã liên quan lập tổ liên ngành đến làm việc, họp bàn với người dân để hoàn thiện thủ tục bàn giao, thay đổi hồ sơ hành chính. "Tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất, không để người dân phải đi lại nhiều, tốn thời gian và gián đoạn cuộc sống", ông Trung nói.
Còn với người dân như bà Thản, ông Hè, họ mong chờ được bàn giao về cho tỉnh Quảng Ninh để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dễ dàng vay vốn làm ăn, học sinh không phải đi học xa nhà.
Lê Tân