Trần Hữu Huy, quản lý 5th Season Retreat, cách núi Hàm Lợn 15 km, cho biết nhóm khách mắc kẹt trên núi tối 17/5 đã đặt phòng ở cơ sở của anh. Họ bắt taxi từ trung tâm Hà Nội đến thẳng núi Hàm Lợn và dự định sau khi leo núi mới quay về nơi lưu trú.
Khoảng 17h30 anh nhận được cuộc gọi từ một người trong nhóm, thông báo họ bị lạc đường và nhờ giúp đỡ. "Tôi trấn an họ rồi yêu cầu cả nhóm di chuyển đến khu vực thoáng để bắt sóng và gửi định vị", anh Huy nói.

Lực lượng chức năng giải cứu nhóm khách mắc kẹt trên núi Hàm Lợn, tối 17/5. Ảnh: NVCC
Anh cho biết thời điểm đó trời mưa giông, sườn núi trơn trượt. Sóng điện thoại chập chờn, nhóm du khách phải liên tục tìm vị trí có tín hiệu để liên lạc. Khi nhận được định vị, anh xác định họ đang cách đỉnh núi một khoảng cách ngắn.
Sau khi động viên khách bình tĩnh, anh liên hệ với 114, đơn vị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cùng công an xã huyện Nam Sơn để nhờ hỗ trợ. Anh cũng liên hệ với dân địa phương, những người thuộc địa hình núi "như lòng bàn tay" và được ví như "bản đồ sống" để cứu người.
Đội cứu hộ chia làm hai nhóm lên núi ứng cứu. Nhóm thứ nhất gồm lực lượng phòng cháy chữa cháy và một người bản địa. Nhóm thứ hai gồm công an xã và anh Huy, người từng leo núi Hàm Lợn và có kinh nghiệm giải cứu người mắc kẹt.
Dọc đường, anh thường xuyên liên lạc với nhóm khách, trấn an rằng "đội cứu hộ đang đến", yêu cầu họ tìm vị trí bằng phẳng do thời tiết xấu, dễ bị trượt ngã; để ý rắn rết hoặc côn trùng.
Chính quyền huyện Sóc Sơn điều 15 cán bộ thuộc lực lượng cứu nạn, cứu hộ tới hiện trường, phối hợp với công an xã Nam Sơn và người dân tìm kiếm. Đến 20h cùng ngày, lực lượng xác định được vị trí nhóm khách.
20h30, khi nhìn thấy đội cứu hộ, một thành viên trong nhóm chia sẻ như trút được gánh nặng "vì biết đã được an toàn". Cô nói nhóm leo núi từ 18 đến 23 tuổi, "khá tự tin" vì một số đã leo núi Hàm Lợn 2-3 lần.
Họ bắt đầu hành trình từ 13h30, khi trời vẫn nắng. Tuy nhiên, đến khoảng 15h, trời mưa và bắt đầu có gió to. Khi cả nhóm trở xuống, mưa nặng hạt và họ bị lạc đường.
Hạ sĩ Nguyễn Văn Đạt thuộc Tổ địa bàn PCCC và CNCH Sóc Sơn - Công an TP Hà Nội, một thành viên tham gia giải cứu, cho biết địa hình trekking núi Hàm Lợn không khó. Tuy nhiên, trời mưa nên tối sớm, đường trơn trượt. Chỉ có một người trong nhóm có đèn pin trên đầu để soi đường. Điện thoại của các thành viên hoặc hết pin, hoặc được để dành pin để liên lạc.
"Trời tối lại không phải người địa phương nên họ bị mất phương hướng", anh Đạt nói.
Lực lượng cứu hộ sử dụng dây chuyên dụng cho các nạn nhân bám để di chuyển. Cả 5 người được đưa xuống chân núi an toàn lúc 22h.
Anh Đạt cho biết khi leo núi du khách nên mang theo thiết bị chuyên dụng, như gậy hoặc dây an toàn và nên bắt đầu leo vào buổi sáng. Dù chưa lên đến đỉnh, khách vẫn phải căn giờ để xuống, muộn nhất là 15h30.

Du khách cắm trại cạnh hồ Hàm Lợn, nằm dưới chân núi Hàm Lợn. Ảnh: AVV
Núi Hàm Lợn thuộc thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, cách trung tâm huyện Sóc Sơn khoảng 10 km và trung tâm Hà Nội 35 km. Nhìn từ vệ tinh, các sống núi tỏa ra bốn hướng như vết chân chim, nên nơi đây còn được gọi là núi Chân Chim. Đỉnh Hàm Lợn cao hơn 460 m, là điểm cao nhất huyện Sóc Sơn, từng được ví như "nóc nhà Hà Nội" trước khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô. Hiện nay, điểm cao nhất của thành phố là đỉnh Vua thuộc dãy Ba Vì, cao 1.296 m.
Mang vẻ đẹp hoang sơ, núi Hàm Lợn là điểm đến lý tưởng cho giới trẻ với các hoạt động check in, cắm trại, dã ngoại. Địa hình tại đây gồm nhiều đường mòn dễ đi, phù hợp với người mới trekking. Tuy vậy, du khách được khuyến cáo tìm hiểu kỹ trước chuyến đi, chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết và chú ý thời gian di chuyển để đảm bảo an toàn.
"Thời điểm tốt nhất để leo núi là vào buổi sáng. Du khách nên xuống núi trước 14h và có mặt tại chân núi trong khoảng 15 - 16h", quản lý khu nghỉ dưỡng 5th Season Retreat cho biết, đồng thời đánh giá nhóm khách gặp sự cố "đã leo sai thời điểm".
Phương Anh - Tú Nguyễn