Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, WHO đã tuyên bố đây là đại dịch. Hiện tại, trừ Vĩnh Phúc, 62/63 tỉnh thành cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học phòng dịch, trong đó, có khoảng hơn 20 tỉnh thành cho cả cấp THPT nghỉ học đến hết ngày 15/3. Có địa phương cho nghỉ hết tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4 như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Đồng Nai. Đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho các con, nhất là trong tình hình hiện nay, khi ta chưa thể rà soát hết được các đối tượng lách cách ly, hoặc người có liên quan đến các bệnh nhân đã được xác nhận dương tính.
Tuy nhiên, việc nghỉ học cũng phát sinh các hệ lụy, như việc các con mải chơi, quên kiến thức, học sinh cuối cấp khó chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. Nhiều trường tư bị mất nguồn thu lớn, không thể duy trì kinh phí hoạt động. Càng nghỉ dài, nền giáo dục càng bị trì trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề khác.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt nên đề nghị tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học bởi dịch bệnh đang bùng phát khó lường. Thời gian nghỉ học nên được cân nhắc hợp lý để đảm bảo phù hợp với kế hoạch chung của ngành cũng như đặc điểm từng vùng, miền, nhất là về điều kiện thời tiết và khí hậu.
Đồng thời, để tránh việc các con bị quên kiến thức và trì trệ, chúng ta nên cân nhắc đề nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam về vấn đề dạy học từ xa, trước tiên là triển khai ngay việc dạy học qua truyền hình, áp dụng đại trà trên toàn quốc.
Bộ GD&ĐT cần xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình, nội dung học tập các khối, ôn tập cho học sinh cuối cấp, đảm bảo kiến thức cho các con. Những nơi có điều kiện về internet, máy tính, smartphone... có thể tổ chức các lớp học trực tuyến trên các ứng dụng để giáo viên có thể trực tiếp giảng dạy, nắm tình hình học tập tại nhà của các con. Ngoài ra cũng có những công cụ học trực tuyến khác có có thể được sử dụng.
Ở những nơi khó khăn hơn, có thể sử dụng hệ thống phát thanh, đài radio... để truyền đạt kiến thức trong phạm vi cần thiết (với các bộ môn Văn, Sử, Địa, GDCD). Nếu điều kiện, hoàn cảnh khó khăn không cho phép, địa phương có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn ôn tập, đề cương... phát miễn phí cho các con ở vùng sâu, vùng xa ôn tập, nắm bắt kiến thức.
Việc dạy và học trên truyền hình, dạy học trực tuyến mùa dịch đã được áp dụng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc... và đạt được một số ưu điểm nhất định. Tại Việt Nam, hình thức dạy học trên truyền hình cho phép có thể áp dụng đại trà nên chỉ qua vài ngày đã được nhiều địa phương ủng hộ và hưởng ứng (ví dụ như Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, TP HCM, Nam Định, Hà Nội...). Qua báo đài, phần đông phụ huynh, người học, các nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ thái độ rất hào hứng, mong muốn nhà nước sớm triển khai đại trà dạy học trên truyền hình ngay trong mùa dịch Covid-19. Có trường đã tổ chức thi thử THPT quốc gia trực tuyến cho học sinh lớp 12.
Mặc dù dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến không thể hoàn toàn thay thế dạy học truyền thống vì một số yếu tố khách quan (như việc rèn đạo đức, khó khăn trong việc hỏi thầy cô những gì chưa nắm rõ, cơ sở vật chất, trường hợp xảy ra thiên tai...), nhưng ít nhất nó không khiến nền giáo dục trở nên trì trệ khi người người ở nhà phòng dịch vẫn có thể học và tiếp thu kiến thức, buộc các con phải có ý thức hơn về việc học. Và sau này, chúng ta cũng tiến tới công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến, qua truyền hình như một hình thức học từ xa.
>> 'Nên học bù sớm, tránh học hè'
Sau khi đi học trở lại, Bộ cũng nên tính toán, cắt giảm tiết học tự chọn, hoạt động ngoại khoá, hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhập chào cờ với sinh hoạt, và chuyển các tiết học đó cũng như các tiết học còn trống trong tuần thành tiết học bù. Đẩy nhanh chương trình chính khoá cho các con; với những trường học có điều kiện thì có thể tổ chức dạy hai buổi, chuyển các kỳ thi học sinh giỏi, Hội khỏe Phù Đổng, văn hoá văn nghệ... sang thứ bảy và chủ nhật. Chúng ta ngoài việc sử dụng "phần lương khô" cuối cùng đó để đảm bảo thời gian kết thúc năm học chung, thì vẫn tiếp tục triển khai các phương pháp dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến nhằm ôn tập, tăng cường kiến thức cho các con, nhất là các học sinh cuối cấp.
Hy vọng các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, các Đài truyền hình, đơn vị truyền hình, chính quyền địa phương phối hợp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến... mùa dịch để không lãng phí thời gian nghỉ của học sinh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.