Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Medlatec cho thấy nồng độ vitamin B12 trong máu bệnh nhân giảm sâu dưới ngưỡng bình thường. Bản ghi dẫn truyền thần kinh ghi nhận dấu hiệu tổn thương thần kinh tứ chi, bác sĩ nghi ngờ tổn thương myelin cấp (vỏ sợi thần kinh). Hình ảnh chụp MRI phát hiện bệnh nhân tổn thương cột sau tủy cổ, kéo dài từ đốt sống cổ thứ hai đến đốt thứ sáu - một tổn thương điển hình thường gặp ở người lạm dụng khí N2O kéo dài, theo BS.CKI. Hoàng Anh Tuấn, chuyên khoa Thần kinh.
Bác sĩ kết luận nguyên nhân gây ra các biểu hiện bất thường ở bệnh nhân do tổn thương tủy cổ - hậu quả của việc lạm dụng bóng cười trong thời gian dài.
Theo BS Tuấn, tiếp xúc khí N2O lâu dài khiến cơ thể bất hoạt vitamin B12 gây tổn thương tủy sống. Dấu hiệu sớm thường gặp là cảm giác tê bì ở tay chân. Nếu không phát hiện kịp thời, tổn thương thần kinh nghiêm trọng có thể dẫn đến hồi phục rất chậm hoặc không hồi phục. Bệnh nhân này được chẩn đoán sớm nên tiên lượng phục hồi tốt nếu nghiêm túc tuân thủ phác đồ.
Bệnh nhân điều trị ngoại trú, tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tiến triển, chụp MRI sau 3-6 tháng nhằm đánh giá mức độ phục hồi của tổn thương tủy cổ.
Bóng cười, còn gọi khí cười, thực chất là bóng bay được bơm đầy khí Nitrous Oxide (N2O) - một hợp chất không màu, không mùi, không hương vị. Khi hít phải loại khí này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, cười nói mất kiểm soát, gây ảo giác khiến không gian xung quanh màu sắc và rực rỡ hơn.
Theo Bộ Y tế, loại khí này vốn được sử dụng có kiểm soát trong y học (gây mê, giảm đau, an thần), công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, tăng công suất động cơ), tuân thủ tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Khi bị lạm dụng sai mục đích, N2O có thể để lại hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Lạm dụng khí này trong thời gian dài có thể gây tổn thương thần kinh với các biểu hiện như co giật, mất cảm giác, liệt vận động, rối loạn hành vi tâm thần, hoang tưởng, ảo giác. Các triệu chứng này có thể gặp kể cả với liều thấp.
Chính vì những hệ lụy nguy hại đó, từ ngày 1/1/2025, bóng cười, shisha và thuốc lá điện tử được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Người sử dụng, buôn bán các loại mặt hàng này sẽ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Lê Nga