Tại cuộc họp báo ngày 4/2, ông Donald Trump nêu ý tưởng Mỹ kiểm soát Gaza, di dời khoảng hai triệu người Palestine tại dải đất sang các quốc gia Arab. Mỹ sẽ san phẳng mọi công trình tại đây để phát triển dải đất thành "Riviera của Trung Đông", ám chỉ khu nghỉ dưỡng hạng sang ven Địa Trung Hải kéo dài từ Pháp tới Italy.
5 ngày sau, ông nhắc lại ý tưởng này với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một. "Hãy coi đó là một khu bất động sản lớn, Mỹ sẽ sở hữu nơi này và chúng tôi sẽ phát triển Dải Gaza một cách từ từ, rất chậm rãi, không vội vàng", Tổng thống Trump tuyên bố.
Hôm 10/2, Tổng thống Mỹ khẳng định người Gaza sẽ được bố trí "nơi định cư lâu dài" ở những nơi "tốt hơn" và họ sẽ không có quyền trở lại dải đất sau khi Mỹ tiến hành đại dự án tái thiết khu vực ven biển có diện tích khoảng 365 km2 này.
Ý tưởng đẩy toàn bộ người Palestine khỏi Dải Gaza để xây dựng nơi này thành khu nghỉ dưỡng xa xỉ lập tức được Israel hoan nghênh. Thủ tướng Benjamin Netanyahu ca ngợi đây là "tư duy đột phá có thể định hình lại Trung Đông và mang đến hòa bình" cho khu vực.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/AP25035778911067-6734-1739272448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FTFK8_PcJVtW6A36NaGlFg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP
Nhưng các quốc gia trong khu vực như Ai Cập, Jordan, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, cũng như chính quyền Palestine và Liên đoàn Arab, đã ra tuyên bố chung bác bỏ mọi ý định di dời người dân Palestine khỏi lãnh thổ của họ.
Khối Arab cảnh báo nếu ông Trump thực hiện kế hoạch biến Gaza thành "Riviera của Trung Đông", ổn định tại khu vực sẽ bị đe dọa, gia tăng nguy cơ xung đột và làm lu mờ triển vọng hòa bình. Ý tưởng này cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp "hai nhà nước" nhằm hướng tới hòa bình bền vững và công bằng tại Trung Đông.
Theo giải pháp "hai nhà nước", một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền sẽ được công nhận dựa trên đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, chung sống hòa bình cùng nhà nước Israel.
Gaza là dải đất nhỏ, giáp biên giới Israel và Ai Cập, mặt còn lại hướng ra Địa Trung Hải. Trước chiến sự, đây là nơi sinh sống của khoảng 2,4 triệu người. Sau hơn một năm chiến sự giữa Israel và Hamas, Gaza gần như đã trở thành đống đổ nát khổng lồ và cận kề khủng hoảng nhân đạo.
Dưới góc nhìn của ông Trump, người từng là trùm bất động sản New York, Gaza có lẽ là "mảnh đất vàng" cần được giải phóng mặt bằng cho một siêu dự án, theo Ahmed Aboudouh, nhà nghiên cứu chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc viện chính sách Chatham House, trụ sở ở Anh.
"Nhưng với các nước ở khu vực Trung Đông, đây lại là vấn đề sống còn. Ai Cập và Jordan sẽ đối mặt nguy cơ rất lớn từ đề xuất của ông Trump. Việc tiếp nhận hàng triệu người phải di dời từ Dải Gaza có thể gây ra nhiều vấn đề xã hội, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và biến lãnh thổ hai nước thành bàn đạp để tấn công Israel. Các hiệp ước hòa bình giữa Jordan và Ai Cập với Israel coi như mất hiệu lực", ông Aboudouh nói.
Ai Cập đã cảnh báo Mỹ, các đồng minh châu Âu và Israel, rằng hiệp ước hòa bình Cairo ký với Tel Aviv năm 1979 sẽ sụp đổ nếu ông Trump thực hiện ý tưởng di dời người Palestine. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi dùng ngôn từ mạnh hơn, coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái định cư người Palestine là "lời tuyên chiến".
Nhưng Ai Cập và Jordan vẫn ở thế bất lợi, bởi hai nước đều nhận hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ. Ông Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ để gây áp lực buộc hai nước phải tiếp nhận người Palestine.
Tổng thống Mỹ đã đề cập vấn đề này khi trả lời báo giới ngày 10/2. "Đúng, tại sao lại không? Nếu họ không làm, tôi sẽ cân nhắc dừng viện trợ", ông Trump nói, đề cập đến Ai Cập và Jordan.
![Lượng người tị nạn Palestine đang được các quốc gia Trung Đông tiếp nhận. Đồ họa: WSJ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/download-20-1739269330-1739269-5839-4693-1739272448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5Stb-6Ee7xyztCiCcS3U9Q)
Người Palestine đang sinh sống ở Gaza, Bờ Tây và các quốc gia Trung Đông. Đồ họa: WSJ
Ông Aboudouh đánh giá ý tưởng biến Gaza thành khu bất động sản của ông Trump là sai lầm lớn, ngay cả khi xét trên quan điểm "Nước Mỹ trên hết". "Đây là công thức sẽ làm tan rã khối Arab thân phương Tây", ông cho biết.
Nic Robertson, bình luận viên của CNN, cho rằng Ai Cập và Jordan cần Mỹ, nhưng Washington cũng cần Cairo và Amman để duy trì lợi ích của mình tại Trung Đông.
Ai Cập được ví như chốt chặn của một khu vực được ví như "thùng thuốc súng cực đoan", nếu phát nổ sẽ lan ra khắp khu vực, tổn hại đến lợi ích của Mỹ và châu Âu. Chính phủ Jordan nếu suy yếu cũng sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực. Iran có thể tận dụng cơ hội để đưa các nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến" đến ngay sát biên giới Israel.
Kịch bản Mỹ tiếp quản vùng đất của người Palestine sẽ khiến các nhóm dân quân thân Iran tăng cường tính chính danh trong nỗ lực "chống lại thế lực xâm lược", và có thể châm ngòi một cuộc chiến tại khu vực, ông Aboudouh cảnh báo.
Ngoài ra, giới chuyên gia lưu ý Gaza vẫn đang cận kề một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khan hiếm thực phẩm và nước sạch, hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ, người dân đang phải sống trong lều tạm và hàng trăm nghìn người cần được hỗ trợ tâm lý.
Ý tưởng của ông Trump nếu thành hiện thực sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ, khiến người dân Gaza đối mặt nhiều nguy cơ hơn cả hiện tại. Hàng triệu người Palestine bị đẩy khỏi Gaza vẫn rơi vào khủng hoảng nhân đạo, chỉ là ở khu vực khác.
"Chính quyền ông Trump cố gắng mô tả đây là giải pháp nhân đạo, rằng Gaza không còn là nơi có điều kiện sinh sống phù hợp", Annelle Sheline, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy về chính sách nhà nước có trách nhiệm, nói với ABC News. Tuy nhiên, ông Trump chưa từng nói rõ điều kiện sống của họ sẽ được cải thiện thế nào nếu phải di dời đến những quốc gia xa lạ.
![Một khu vực bị tàn phá do chiến sự Israel - Hamas ở Gaza City, Dải Gaza 10/2024. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/2024-10-24T115754Z-1432319761-6501-7267-1739272448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I67MFYedqPRXB-ht_TY9sQ)
Một khu vực bị tàn phá do chiến sự Israel - Hamas ở Gaza City, Dải Gaza 10/2024. Ảnh: Reuters
Viện chính sách Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), trụ sở ở Mỹ, cho rằng đề xuất của ông Trump sẽ phản tác dụng, khiến Mỹ không đạt được những mục tiêu đã tuyên bố là thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Trung Đông.
"Tình hình Gaza, Bờ Tây sẽ không ổn định, người Palestine khó sinh sống tử tế khi phải rời xa mảnh đất quen thuộc. Israel không thể đạt mục tiêu an ninh quốc gia lâu dài hay bình thường hóa quan hệ với các nước Arab. Quan hệ giữa Mỹ và khối Arab lung lay, và Washington sẽ phải điều thêm nguồn lực đến khu vực để bảo vệ lợi ích của mình", theo Amr Hamzawy, giám đốc chương trình Trung Đông tại CEIP.
Loạt diễn biến còn tạo cơ hội để các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc tăng sức ảnh hưởng tại khu vực.
"Chính quyền Trump nên dừng liên hệ với phe cực hữu Israel, từ bỏ ý định di dời toàn bộ người dân khỏi Dải Gaza. Thay vào đó, Mỹ nên phối hợp với Israel để giảm bạo lực ở Bờ Tây, gia hạn lệnh ngừng bắn ở Gaza, thúc đẩy nỗ lực tái thiết dải đất, tập trung vào những khu vực chưa bị tàn phá quá nhiều", ông Hamzawy nói.
Như Tâm (Theo CNN, The Cradle, Reuters)