Tôi đến thăm anh vào một chiều xuân còn se se lạnh. Trong lúc anh đang lo ấm trà, nhìn lên tường tôi thấy một tấm ảnh gia đình khổ 80 x 50 chụp chưa lâu. Không chờ tôi hỏi, anh cười xác nhận đó là chị và các cháu. Anh chị đứng giữa, hai cháu đứng hai bên. Chị nhà có nét mặt phúc hậu, cháu trai có vóc dáng cao hơn bố, khỏe mạnh, cháu gái mảnh mai, nom rất dễ thương. Tấm ảnh như nói với tôi: đây là một gia đình hạnh phúc.
Tôi biết rất rõ mối tình sinh viên của anh. Đó là một mối tình đẹp như mơ. Sau khi tốt nghiệp về nước, anh chị xây dựng gia đình và có một cháu trai. Hai anh chị tuy khác ngành nghề nhưng đều làm ở một thành phố lớn. Cuộc sống thời bao cấp rất khó khăn, nhất là với một gia đình mới. Mặc dù được du học nước ngoài nhưng sau khi có con đầu lòng, những thứ anh chị đưa về nước đều lần lượt "đội nón ra đi" cả. Đến cái xe máy là vật bất ly thân của anh cũng không ở lại với anh được lâu. Chính vì chuyện cơm áo gạo tiền nên dù cháu còn đang nhỏ, anh chị vẫn phải quyết định để anh đi công tác nước ngoài. Chị ở lại trong nước nuôi con nhỏ một mình với bao gian truân, vất vả, trong khi cả hai bên nội ngoại đều ở xa.
Anh đi được một thời gian, chị ở nhà cũng lo thủ tục để đi làm phiên dịch theo dạng xuất khẩu lao động. Anh không tán thành nhưng chị vẫn âm thầm thu xếp cho chuyến đi đó. Ngày chị sang, anh chỉ biết qua bạn bè chứ không được chị báo chính thức. Đồng nghiệp bảo anh không ra đón, cho cô ấy một bài học đầu tiên cho biết thế nào là lễ độ. Anh cũng dằn vặt lắm, vui - buồn, thương - giận lẫn lộn. Song, anh nghĩ: dù sao chị cũng đã sang rồi, đúng - sai tính sau, mình là chồng thì phải ra đón vợ... Trước khi đi sân bay đón chị, anh đã ra rừng hái một bó hoa đủ loại về cắm ở phòng để chị vui.
Anh chị sống với nhau được một năm thì anh về nước. Một năm sau anh lại sang công tác dài hạn và được đem cháu nhỏ đi cùng. Ai cũng bảo: "Nhất anh nhé", "Nhất cậu đấy"... Ngày ấy, một gia đình đầy đủ vợ chồng con cái được đoàn tụ ở nước ngoài là hiếm lắm. Thế nhưng, có ai học hết chữ "ngờ". Anh sang đến nơi, cũng là lúc hạnh phúc của cái gia đình bé nhỏ mà nhiều ly tán ấy đã nằm bên bờ vực thẳm. Anh quyết tâm hàn gắn lại vì tương lai của đứa con trai bé bỏng và tội nghiệp, nhưng lực bất tòng tâm. Anh không còn đủ sức hấp dẫn chị nữa, hay đúng hơn, một sức mạnh nào khác đã khiến trái tim của chị đổi hướng rồi. Có lần, vào một ngày cuối tuần, anh xuống thành phố thăm con. Khi tàu chuẩn bị vào ga, anh nghĩ đến cảnh lại sắp bị hắt hủi và sẽ không được gặp con mà nước mắt tuôn trào, khiến những người Nga ngồi xung quanh ngạc nhiên và xúm lại hỏi anh có cần giúp đỡ?
Anh đã sống trong nỗi đau đến tột cùng và không biết ngày mai cái gì sẽ đến với anh. Anh đã mất lòng tin vào tương lai, mất hết nhiệt huyết để sống. Nhiều lần anh tự hỏi: tại sao bất hạnh lại đến với anh, với một người chỉ có một ước mong giản dị là có một mái ấm gia đình như bao gia đình khác? Giữa cơn tuyệt vọng và bi thương, vị cứu tinh của đời anh - người bạn đời thứ hai đã đến! Câu chuyện tình thứ hai này nhuốm màu huyền bí mà có thể nhiều người không tin.
Vào một buổi tối, như mọi buổi tối buồn sau ngày làm việc của anh, một đồng nghiệp mang đến cho anh một mẩu giấy với dòng tin nhắn anh liên hệ với địa chỉ dưới đây để nhận quà. Cầm mẩu giấy nhỏ trên tay, anh đọc đi đọc lại và trong anh rộn lên một cảm giác lạ lùng, khó tả. Người viết mẩu giấy này không những là người có học (chữ đẹp, tròn trịa tuy viết vội), mà còn biết ngoại ngữ (địa chỉ tiếng Nga viết chuẩn). Nét chữ là nét người, nên anh đoán người viết cũng chân phương, đôn hậu. Nhận xét này đưa anh đến một suy đoán: có thể đây là một cán bộ của đội (đội trưởng, hoặc phiên dịch).
Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất cho anh đó là tên người và chữ đệm. Tên thì trùng tên người vợ đầu của anh. Còn chữ đệm là "Nhị". Đọc đến đây chắc có người khó tin, nhưng đây lại chính là tên và đệm do các cụ thân sinh đặt cho chị từ khi lọt lòng. Và chắc cũng có người cho đây là duyên tiền định. Anh kể rằng, sau một đêm trăn trở với bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn, anh quyết định viết thư theo địa chỉ đó. Cũng như bao lá thư đầu làm quen, anh giới thiệu tuổi tác và xưng "tôi" (vì chưa biết tuổi của chị). Sau nhiều tháng thư đi thư lại, anh chị đã có buổi gặp mặt. Vào một ngày cuối tuần, anh nghe có chuông gọi cửa. Mở cửa ra thì thấy khách là hai cô gái, trong đó, một cô thì môi son đỏ chót và miệng cười khá tươi tắn, còn một cô thì nét mặt không biểu lộ tình cảm mà giữ thái độ đúng mực.
Sau màn giới thiệu thì anh biết cô gái nghiêm nghị là người chuyển quà từ nhà sang cho anh (nói cho đúng thì anh chỉ là chỗ trung chuyển gói quà đó thôi). Chuyện trò một hồi, đến buổi trưa anh mời hai chị em ở lại nấu ăn. Anh đứng phụ bếp và quan sát thấy chị xử lý con vịt đông lạnh rất chỉn chu. Từ việc nhặt sạch sẽ lông măng đến việc tẩm ướp trong ngoài... Chị làm như một người đầu bếp đầy tinh thần trách nhiệm và tự nguyện, không qua loa, miễn cưỡng chút nào. Trong bữa ăn, chị cho biết gói quà này chị đã nhờ một người chuyển cho anh từ sáu tháng trước. Gần đây gặp lại thì người ta nói chưa chuyển được và chị đã xin lại để tự chuyển cho anh, vì thế nên có mẩu tin nhắn nhận quà nói trên.
Sau lần gặp đầu tiên ấy, trong một lần có việc lên thành phố trở về, nhóm của chị đang nói chuyện vui vẻ thì chị nghe nhóm ngồi ghế sau có người nhắc đến tên anh. Chị tò mò để ý thấy người ta đang nói về một người có tên giống anh đang gặp phải một tình cảnh trớ trêu về gia đình. Nghe xong câu chuyện, chị cứ nghi nghi hoặc hoặc. Chẳng lẽ một người như anh mà lại có hoàn cảnh đáng thương đó sao? Thế rồi, chị quyết tâm tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Khi đã hiểu hết câu chuyện trái ngang của anh, chị đã động lòng trắc ẩn.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, anh chị đã nói lời yêu thương với nhau. Vấn đề còn lại là làm sao để gia đình chị chấp thuận? Chị là con đầu trong một gia đình có nề nếp, bố là kỹ sư lâm nghiệp, mẹ là giáo viên cấp ba. Anh lại có hoàn cảnh gia đình như vậy, lại hơn chị một con giáp. Hai anh chị thấy cần phải thuyết phục gia đình bằng người thật, việc thật cụ thể. Anh quyết định xin về phép để ra mắt gia đình bên vợ tương lai.
Sau hai tuần sống với gia đình chị, anh đã giành được trọn vẹn tình cảm không những của gia đình chị mà đến cả anh em nội ngoại của chị cũng đều tỏ ra quý mến và hoàn toàn yên tâm, tin tưởng về con người anh. Anh đã đưa mẹ vợ tương lai sang chơi và cụ được chứng kiến ngày lên xe hoa của con gái mình.
Bình Nguyên
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com