Trưa 5/10, chị Hà Thị Loan, 38 tuổi xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, cầm vợt lưới đi dọc dãy bè vớt những con cá lăng nặng hơn 5 kg bơi lờ đờ. "Sáng qua, khi vừa tỉnh dậy tôi đã thấy cá chết trắng bè", chị Loan nói và cho hay gia đình đã vớt nhiều lượt cá chết song vẫn chưa hết.
Thường ngày, chị Loan bán cá lăng với giá 130.000 đến 150.000 đồng mỗi kg. Nay cá chết hàng loạt, chị nhờ họ hàng, dân làng mua lại giá 50.000 đồng mỗi kg. Trong một ngày, bè nhà chị chết hơn một tấn cá, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
![Chị Hà Thị Loan, chủ bè nuôi cá ở xã Xuân Lộc bắt một con cá lăng vừa bơi ngửa bụng. Ảnh: Ngọc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/05/z2110256497208-f0044137ca422a6-5740-5294-1601885062.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oUEpeBYquLxJe25auiBsOw)
Chị Hà Thị Loan, chủ bè nuôi cá ở xã Xuân Lộc bắt một con cá lăng vừa bơi ngửa bụng. Ảnh: Ngọc Thành.
Khi thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, các hộ nuôi cá bè ở dọc bờ sông Đà, đoạn qua huyện Thanh Thủy đã nhận được thông báo trước 12 giờ. Tuy nhiên, họ không thể di dời đàn cá sang khu vực khác.
"Mấy ngày nước chảy xiết, chuyển màu đục, tôi đã kéo bè vào sát bờ nhưng vẫn không tránh được. Nếu vớt cá chuyển về ao cũng sẽ chết hết", anh Mạc Kế Điệp, 27 tuổi, chủ bè cá ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, nói.
Bè cá của gia đình anh Điệp thiệt hại nặng nhất xã Thạch Đồng, với khoảng 10 tấn cá lăng, cá ngạnh chết vào sáng 4/10, ước tính một tỷ đồng. Anh phải nhờ hàng xóm đến vớt về cho lợn ăn, bón cây.
![Cá lăng chết trong bè nuôi cá ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/05/z2110255259738-347ded1b2083952-9987-7138-1601885062.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7jiFrVQWPf46pqEdAocRmA)
Cá lăng chết trong bè nuôi cá ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Nguyễn Trọng Luyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết, đến sáng 5/10, số cá chết của các hộ nuôi cá bè ở hai xã Thạch Đồng và Xuân Lộc là hơn 20 tấn. "Chúng tôi đã lấy mẫu nước, mẫu cá để gửi đi phân tích. Nguyên nhân ban đầu được xác định thủy điện xả lũ khiến nước sông chảy mạnh, nước đục khiến cá bị sặc", ông Luyện nói.
Huyện Thanh Thủy đang thống kê thiệt hại để đề xuất tỉnh Phú Thọ hỗ trợ người dân.
![Hầu hết các con cá lăng chết đều bị trầy, loét da. Ảnh: Ngọc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/05/z2110255234672-dd96488ce4240b8-6296-6887-1601885062.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8b1XM3a0iVY5xQSfuSMUag)
Hầu hết các con cá lăng chết đều bị trầy, loét da. Ảnh: Ngọc Thành.
Trước đó ngày 30/9, do mực nước dâng cao, hồ thủy điện Hòa Bình được lệnh xả một cửa đáy sau hai năm không xả lũ, ngày 2/10 mở cửa xả thứ hai, với lưu lượng nước 1.700 m3/s. Hai hồ Sơn La, Thác Bà cũng mở cửa xả ngày 1/10.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh, thành hạ du thủy điện Hòa Bình thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản biết thông tin; rà soát phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du.
Tháng 10/2017, thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất với việc mở 8 xả đáy; sau đó 170 tấn cá lồng bè của người dân ở tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ đã chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Ngọc Thành - Tất Định