"Chúng tôi tin rằng có sự liên quan", phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) Lee Sung-jun cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/5, khi được hỏi về khả năng Nga hỗ trợ công nghệ để Triều Tiên chế tạo vũ khí mới, trong đó có những khí tài xuất hiện lần đầu trong cuộc diễn tập không quân của Bình Nhưỡng hồi tuần trước.
Tuy nhiên, đại tá Lee nói rằng quân đội Hàn Quốc "cần phân tích thêm" để xác định mức độ và phạm vi hỗ trợ công nghệ của Nga dành cho Triều Tiên. Ông cũng nhận định Bình Nhưỡng sẽ mất nhiều thời gian để có thể sử dụng những loại vũ khí này trong chiến đấu.
Giới chức Nga và Triều Tiên chưa bình luận về thông tin.

Ông Kim Jong-un bên cạnh mẫu tên lửa, bom mới trong ảnh công bố hôm 17/5. Ảnh: KCNA
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 17/5 cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã thăm Sư đoàn Không quân Số 1 và chỉ đạo cuộc diễn tập tác chiến đường không với các nội dung bắn đạn thật trước đó hai ngày.
Hình ảnh được công bố cho thấy tiêm kích MiG-29 Triều Tiên phóng tên lửa đối không chưa từng xuất hiện, có hình dáng khác mẫu R-27 và R-73 thường đi kèm với loại máy bay này. Ông Kim Jong-un cũng xem trưng bày một số loại vũ khí mới của không quân Triều Tiên, trong đó có mẫu tên lửa đối không mới và các quả bom có cánh lượn, trang bị đầu dò quang học hoặc hồng ngoại.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng tên lửa đối không mới của Triều Tiên có một số đặc điểm giống dòng AIM-120 AMRAAM của Mỹ và PL-12 do Trung Quốc phát triển.
Các quả đạn này đạt tầm bắn ước tính 90-120 km, xa hơn đáng kể so với dòng R-27 đi kèm tiêm kích MiG-29 nguyên bản. Tên lửa mới nhiều khả năng cũng được trang bị đầu dò radar chủ động, cho phép ứng dụng chế độ "bắn và quên", giúp máy bay không cần liên tục khóa mục tiêu sau khi phóng đạn và có thời gian thoát ly khỏi đòn bắn trả của đối phương.

Tiêm kích MiG-29 Triều Tiên phóng tên lửa đối không đời mới trong ảnh công bố ngày 17/5. Ảnh: KCNA
Triều Tiên đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chế tạo các loại khí tài mới như máy bay cảnh báo sớm, phi cơ không người lái (UAV) trinh sát chiến lược và tàu khu trục đa năng.
Tiêm kích MiG-29 là mẫu máy bay hiện đại nhất trong biên chế không quân Triều Tiên. Nước này sở hữu mẫu MiG-29B và MiG-29UB cơ bản, cùng ít nhất 3 chiếc MiG-29S nâng cấp.
Số lượng tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia phương Tây cho rằng nước này đang biên chế khoảng 16-35 chiếc MiG-29. Bình Nhưỡng từng lắp ráp một số máy bay theo giấy phép từ Moskva trong thập niên 1990.
Nguyễn Tiến (Theo Yonhap, AFP, AP)