"Nhiệm vụ chính của Hamas là phát triển mạng lưới hầm ngầm cho phép các thành viên trong nhóm di chuyển khắp Dải Gaza", một quan chức quốc phòng Israel ngày 21/5 cho biết. "Ước tính Hamas chi 500.000 USD cho mỗi km địa đạo như vậy".
Quan chức này cho biết địa đạo Hamas được đào ở độ sâu 30-40 m, cho phép các thành viên và chỉ huy nhóm dân quân có thể di chuyển khắp Gaza và mở các cửa sập để đưa khẩu đội pháo phản lực lên mặt đất khai hỏa, sau đó lại ẩn mình dưới lòng đất.
"Chúng tôi không biết chính xác toàn bộ vị trí những đường hầm này. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính đã phá hủy khoảng 100 km trong số đó", quan chức quốc phòng Israel nói.
![Quầng lửa bốc lên sau khi Israel không kích một tòa nhà ở Dải Gaza ngày 20/5. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/05/24/556318717505a-Israel-Hamas-9319-1621818271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4HcsKiDvkZjHoLYrl5KNxA)
Quầng lửa bốc lên sau khi Israel không kích một tòa nhà ở Dải Gaza ngày 20/5. Ảnh: AFP.
Quân đội Israel ngày 21/5 công bố số liệu về chiến dịch "Người bảo vệ Những bức tường", bao gồm việc đánh sập mạng lưới hầm ngầm cũng như hạ sát hơn 225 thành viên Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, bao gồm 25 chỉ huy cấp cao.
Tuy nhiên, quan chức Hamas Mosheer al-Masry sau đó phủ nhận thông tin nhóm dân quân hứng tổn thất nặng nề. "Chúng tôi tuyên bố hàng nghìn thành viên Qassam đang đi bộ dưới các đường hầm", al-Masry nói trong một cuộc họp báo, đề cập tới cánh quân sự của Hamas.
Giới chức Israel cho biết mục tiêu chính của chiến dịch không kích Dải Gaza là phá hủy mạng lưới địa đạo Hamas. Nhóm dân quân này bắt đầu xây dựng hệ thống đường hầm phức tạp từ 14 năm trước, khi Israel phong tỏa Dải Gaza, nhằm che giấu các tay súng và vũ khí khỏi tầm ngắm của tiêm kích cùng máy bay không người lái của Israel.
Một tuyến đường ngầm được đào xuyên qua biên giới với Ai Cập, cho phép Hamas và các nhóm dân quân khác ở Dải Gaza buôn lậu vũ khí. Tuy nhiên, dân Palestine tại Dải Gaza nói đường hầm là phương thức đi lại và vận chuyển hàng hóa mới trong bối cảnh vùng biển ngoài khơi khu vực bị phong tỏa. Ai Cập đã xả nước làm ngập và phá hủy phần lớn các đường hầm này.
Gần 4 thập kỷ giao tranh Israel - Hamas. Đồ họa: Việt Chung.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, sau khi Israel hạn chế người Palestine tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem, đồng thời đe dọa trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư, châm ngòi cho đòn tập kích rocket của Hamas từ ngày 10/5.
Israel và Hamas ngày 21/5 ký thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt 11 ngày giao tranh dữ dội khiến 243 người Palestine cùng 12 người tại Israel thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người tại Dải Gaza mất nhà cửa. Hai bên cùng tuyên bố chiến thắng, dù lệnh ngừng bắn này về bản chất đưa tình hình tại khu vực trở về như trước khi xung đột xảy ra.
Quân đội Israel cho biết trong 11 ngày giao tranh, Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác ở Gaza đã phóng 4.070 quả rocket về phía Israel, phần lớn nhằm vào các khu vực đông dân cư, nhưng hầu hết bị hệ thống phòng không Vòm Sắt đánh chặn.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)