VnExpress Thời sự

Hướng tới kỷ nguyên mới

  • Việt Nam 2045
  • Thúc đẩy Khoa học công nghệ
  • Tháo gỡ thể chế
  • Tinh gọn bộ máy
  • Chống lãng phí
next-prev-mask
  • Trở lại Thời sự
  • Thời sự
Thứ ba, 15/7/2025, 02:15 (GMT+7)

Hai tuần các tỉnh thành vận hành chính quyền 2 cấp

Sau hai tuần áp dụng chính quyền 2 cấp, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ ở phường, xã được đánh giá nhanh gọn hơn, song một số nơi cán bộ thực hiện còn bỡ ngỡ.

Sáng 14/7, bà Ngô Thành Lợi Thơ, 75 tuổi, đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới An (thuộc quận 12 cũ), TP HCM, để đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Trước đây, thủ tục này do cấp huyện thực hiện, khi triển khai mô hình chính quyền 2 cấp chuyển xuống xã.

Đến trung tâm, bà Thơ được tình nguyện viên hỗ trợ lấy số thứ tự, hướng dẫn tới quầy tiếp nhận thủ tục đất đai. "Hai con chạy xe công nghệ, không rành thủ tục, bận làm nên tôi tự đi", bà Thơ nói, thêm rằng tuổi đã cao nên muốn giải quyết xong thủ tục để đỡ phức tạp về sau. Lớn tuổi, không làm được thủ tục trực tuyến, bà chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của phường.

Căn nhà bà Thơ mua giấy tay cách đây 23 năm, diện tích 35 m2, từng bị phạt vì xây sai phép. Bà đã lên UBND quận 12 (cũ) đề nghị cấp giấy chứng nhận, song phải đi lại nhiều cơ quan hoàn thiện hồ sơ nên chưa làm. Sau gần 10 phút, hồ sơ của bà được cán bộ kiểm tra, liệt kê giấy tờ còn thiếu.

Cán bộ  Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới An giải quyết hồ sơ của bà Ngô Thành Lợi Thơ, ngày 14/7. Ảnh: Lê Tuyết

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới An giải quyết hồ sơ của bà Ngô Thành Lợi Thơ, ngày 14/7. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Trần Minh Quang, chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới An, cho biết theo quy định mới, phường là nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu. Ví dụ, trong hồ sơ của bà Thơ cần có bản vẽ vị trí đất, trước đây do chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai kiểm định nay chuyển về phường. Điều này giúp giảm bớt đầu mối, thời gian đi lại cho người dân.

Trong hai giờ buổi sáng, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thới An hỗ trợ, giải quyết cho 80 trường hợp làm các thủ tục như chứng thực, hộ tịch, đất đai, xây dựng... Đến trưa, tới giờ nghỉ nhưng vẫn còn người dân, lãnh đạo phường, chuyên viên tiếp tục giải quyết, không để hồ sơ kéo sang chiều.

Ông Nguyễn Đình Bảo Quốc, Phó chủ tịch UBND phường Thới An kiêm giám đốc trung tâm, cho biết phường thành lập trên cơ sở sáp nhập Thới An cũ và Thạnh Xuân. Diện tích phường 14,9 km2, dân số hơn 125.000 người. Khi chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, bộ phận một cửa ở phường thực hiện 363 thủ tục, trong đó không ít quy trình từ cấp thành phố, huyện chuyển về.

Bình quân, mỗi ngày Trung tâm phục vụ hành chính công của phường tiếp nhận 150 lượt người thực hiện các thủ tục, chưa kể hồ sơ được giải quyết trên mạng.

Theo ông Quốc, bộ phận phục vụ hành chính công có 11 cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Phường bố trí lực lượng đoàn thanh niên giúp người dân, Trung tâm chuyển đổi số TP HCM cử hai nhân viên để xử lý các vấn đề liên quan công nghệ, đường truyền. Từ đầu tháng đến nay, cán bộ phường đều làm việc cuối tuần để xử lý thủ tục. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, chuyên viên tiếp nhận có phiếu hướng dẫn bổ sung, người dân không phải đi lại nhiều lần.

Không chỉ Thới An, nhiều phường ở TP HCM cũng bố trí tình nguyện viên hướng dẫn người đến làm thủ tục hành chính. Một số phường có cách làm sáng tạo, ví dụ phường Thủ Đức có hai robot phục vụ chạy giữa các hàng ghế để phát nước, mang giấy tờ đến tay người dân; phường Bình Tiên có "ATM" tiếp nhận trả hồ sơ tự động 24/7...

Tuy vậy sau hai tuần vận hành, lãnh đạo phường Thới An cho rằng hiện có một số nội dung chưa thuận lợi như liên thông dữ liệu, ví dụ khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Để thuận lợi, ông Quốc cho rằng cần sớm đồng bộ Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang thuộc Bộ Tài chính quản lý vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thống nhất sử dụng một hệ thống.

Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM, bên cạnh thuận lợi, một số cán bộ xã, phường chưa nắm rõ thao tác thực hiện phần mềm chuyên ngành, nội dung liên thông thuế điện tử theo chính quyền 2 cấp nên lúng túng.

Đặc biệt, hạ tầng, đường truyền ở các vùng sâu, xa và khoảng cách giữa UBND xã, phường với Trung tâm khiến việc chuyển hồ sơ, nhất là hồ sơ phải giải quyết trong ngày gặp khó khăn, kéo dài thời gian. Để khắc phục, ngành đang rà soát lại quy trình thủ tục, cử nhân sự các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai xuống hỗ trợ xã, phường.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cho biết để giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới, tức doanh nghiệp, người dân có thể nộp hồ sơ bất kỳ chỗ nào thuận tiện nhất, thành phố sẽ có trung tâm hành chính công cấp thành phố và 38 chi nhánh. Dự kiến, trụ sở đặt ở các quận, huyện cũ của ba địa phương (TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) trước sáp nhập. Nơi này sẽ có các cán bộ chuyên trách, am hiểu chuyên môn nhận hồ sơ của doanh nghiệp, tránh trả đi trả lại nhiều lần, gây phiền hà, chậm trễ.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, toàn quốc giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh thành, hiệu lực ngày 1/7. Đơn vị hành chính cấp xã từ hơn 10.000 còn hơn 3.300, giảm khoảng 67%. Chính quyền địa phương từ ba cấp (tỉnh, huyện, xã) còn hai cấp (tỉnh, xã).

Người dân làm thủ tục tại phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn

Người dân làm thủ tục tại phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bùi Toàn

Sau khi nhập từ 5 phường (Vạn Thạnh, Tân Tiến, Lộc Thọ, Vĩnh Nguyên và Phước Hòa), phường Nha Trang rộng 47,12 km2, dân số hơn 136.000 người, là một trong những địa bàn đông dân nhất tỉnh Khánh Hòa, nên khối lượng công việc rất lớn. Trung tâm phục vụ hành chính công của phường bố trí hơn 15 cán bộ làm việc để hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục cho người dân.

Một cán bộ tại phường cho hay hai tuần qua lượng hồ sơ tăng nên khối lượng công việc nhiều. Mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 150-200 hồ sơ nhưng mọi việc đều xử lý trôi chảy. Phường đã chuẩn bị tốt các khâu và lên kế hoạch chi tiết trước thời điểm thực hiện chính quyền 2 cấp nên không gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Khắc Hà, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa, thời gian qua việc tỉnh áp dụng KPI cho cán bộ đã đem lại thay đổi rõ rệt. Đầu tiên là khả năng lượng hóa công việc: từng vị trí đều có số liệu về khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo ngày, tháng, quý. Đây là cơ sở để đánh giá cán bộ công bằng, thực chất, thay vì dựa vào cảm tính hoặc tổng hợp chung chung như trước.

Sau thời gian triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, các xã, phường trên địa bàn tỉnh Cà Mau được đánh giá hoạt động ổn định. Ông Đặng Phú Lâm, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Thành (TP Cà Mau cũ), cho biết người dân phấn khởi khi áp dụng chính quyền hai cấp. Bởi hiện cấp xã, phường được phân cấp, phân quyền, các thủ tục hành chính tập trung về một đầu mối nên người dân đến liên hệ nhanh và thuận lợi hơn.

Người dân làm hồ sơ tại phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

Người dân làm hồ sơ tại phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

Tuy nhiên, trung tâm gặp khó khăn do nhiều thủ tục cấp huyện phân cấp về phường nên khối lượng công việc nhiều trong thời gian đầu. Hiện cán bộ tại trung tâm đa số là công chức bộ phận một cửa của các phường, xã (cũ) nên vừa thực hiện công việc mới, vừa trau dồi kiến thức, kỹ năng bổ sung để phục vụ người dân, nên đôi lúc còn bỡ ngỡ.

Kết quả bước đầu về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ ở TP Cần Thơ ngày 13/7.

Bộ trưởng Nội vụ cho hay sau khoảng hai tuần vận hành, mô hình mới mang lại nhiều ưu điểm nổi bật. Các địa phương triển khai kịp thời, tích cực và cơ bản đáp ứng yêu cầu, khẩn trương ổn định, sắp xếp tổ chức bộ máy. "Quá trình thử nghiệm đến khi vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo. Kết quả bước đầu khá hanh thông, suôn sẻ, không có gián đoạn, vướng mắc, phát sinh lớn trong vận hành", bà Trà nói.

Tuy nhiên vẫn còn khó khăn như sắp xếp bộ máy cấp tỉnh, cấp xã, đội ngũ cán bộ. Việc phân cấp, phân quyền từ Trung ương về địa phương và trong nội bộ tỉnh cho đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Để khắc phục, người đứng đầu Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống hạ tầng trên toàn quốc từ Trung ương, cấp tỉnh cho đến cấp xã để tạo trục liên thông, đồng bộ kết nối; đồng thời hoàn thiện, bổ sung văn bản pháp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và hoàn thiện chế độ, chính sách, nhất là với cán bộ không chuyên trách.

Nhóm phóng viên

  Trở lại Thời sựTrở lại Thời sự
Copy link thành công
×
  • Việt Nam 2045
  • Thúc đẩy Khoa học công nghệ
  • Tháo gỡ thể chế
  • Tinh gọn bộ máy
  • Chống lãng phí

Trở lại VnExpress

Điều khoản sử dụng Chia sẻ: Copy link thành công
Báo điện tử VnExpress
Báo tiếng Việt nhiều người xem nhất
Thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Số giấy phép: 548/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 24/08/2021

Tổng biên tập: Phạm Văn Hiếu
Địa chỉ: Tầng 10, Tòa A FPT Tower, số 10 Phạm Văn Bạch, phường Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024 7300 8899 - máy lẻ 4500
Email: webmaster@vnexpress.net

© 1997-2025. Toàn bộ bản quyền thuộc VnExpress