4h30 sáng ngày giữa tháng 7, bà Trần Thị Nguyệt, 63 tuổi, và con gái Phạm Thị Phượng, 36 tuổi, thức dậy sửa soạn lễ vật rồi đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh đón đoàn cựu chiến binh đến viếng. Từ nhà ở thị trấn Hồ Xá, mẹ con bà Nguyệt chạy xe máy khoảng 2 km thì tới nghĩa trang.
Cả hai chuẩn bị lễ cúng gồm hương, hoa quả, đặt vòng hoa, loa đài phục vụ đoàn dâng hương. 6h đoàn khách đến, chị Phượng đọc lời giới thiệu đoàn, cử hành nhạc để mặc niệm rồi hướng dẫn khách thắp hương tại lễ đài và các phần mộ.

Bà Nguyệt và chị Phượng thắp hương ở khu một liệt sĩ chưa xác định thông tin. Ảnh: Hoàng Táo
Sau khi tiễn đoàn, hai mẹ con tranh thủ ăn sáng để tiếp tục đón khách. Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh rộng 6 ha, có 5.630 ngôi mộ, là con em 41 tỉnh thành. Gần ngày thương binh liệt sĩ 27/7, thân nhân, cựu chiến binh khắp nơi đến thăm viếng. "Nhiều khi khách đông, bữa cơm trưa của hai mẹ con thành chiều. Có đoàn đến nửa đêm hoặc sáng sớm, tôi đều hỗ trợ tối đa", bà Nguyệt nói.
Bà Nguyệt là một trong những quản trang đầu tiên của nghĩa trang. Năm 1983, khu vực này được san ủi mặt bằng để quy tập mộ liệt sĩ từ các nơi về. Bà Nguyệt làm công tác hậu cần, phục vụ cơm nước cho đội thi công. Đến năm 1986-1987, mộ liệt sĩ được quy tập về nhiều hơn, nghĩa trang thành hình hài, bà Nguyệt cùng 4 người khác chính thức làm quản trang tại đây.
Thời đó, nghĩa trang đơn sơ, cỏ lác mọc um tùm. Bà Nguyệt dọn cỏ khu này thì khu kia đã mọc lên. Lúc chị Phượng được ba tháng 10 ngày tuổi, bà Nguyệt đưa con gái ra đây để vừa tiện chăm sóc con, vừa dọn dẹp, coi sóc nghĩa trang. Mẹ con bà sống luôn ở căn phòng nhỏ góc nghĩa trang. Lớn lên ở nghĩa trang, những lúc rảnh rỗi, chị Nguyệt lại phụ mẹ lau dọn, thắp hương cho các phần mộ.
Khoảng năm 1995 trở về sau, thân nhân đi tìm mộ và thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ nhiều lên, các ngôi mộ mới bớt quạnh hiu. Cũng từ đó, bà Nguyệt thường xuyên trả lời các đơn thư tìm kiếm mộ liệt sĩ, hướng dẫn họ đến nghĩa trang khác tìm khi không có hài cốt tại đây. Khi gia đình có nguyện vọng đón liệt sĩ về quê, bà Nguyệt hỗ trợ cất bốc hài cốt. Do nghi lễ tâm linh, nhiều gia đình làm lúc 1h sáng, bà Nguyệt vẫn vui vẻ nhận lời.

Bà Nguyệt là lớp quản trang đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Sau khi về hưu, bà tiếp tục tình nguyện làm quản trang không lương. Ảnh: Hoàng Táo
Năm 2010, khi bà Nguyệt nghỉ hưu, chị Phượng tốt nghiệp trung cấp hành chính văn thư và làm đơn xin vào thay mẹ. Thời điểm này, nghĩa trang chỉ có hai quản trang. Thấy công việc nhiều, ít người, bà Nguyệt lại làm đơn tình nguyện làm quản trang không lương từ lúc nghỉ hưu đến nay. "Các liệt sĩ hy sinh thân mình mới có ngày nay. Tôi tự nguyện hàng ngày chăm sóc, quét dọn, còn sức khỏe thì còn làm, khi nào không giúp được gì thì mới nghỉ", bà Nguyệt nói.
Gắn bó với nghĩa trang 40 năm qua, bà Nguyệt kể nơi đây thay đổi rất nhiều, mộ được xây dựng lại hoàn toàn, khu tượng đài, lối đi, cây cảnh chỉnh trang sạch đẹp, khang trang. "Bây giờ, gia đình liệt sĩ nào cũng là người thân của tôi. Nhiều gia đình, nhiều ngôi mộ, tôi nhớ tường tận ngày giỗ của liệt sĩ", bà Nguyệt nói.
12 năm qua, chị Phượng đã chăm sóc, hương khói, phục vụ thân nhân đến thăm viếng, trả lời đơn tìm mộ, đính chính bia mộ, làm thủ tục đón liệt sĩ về quê... Năm 2018, người đồng nghiệp nghỉ hưu, chuyển sang làm bảo vệ hợp đồng tại nghĩa trang nên chỉ còn chị Phượng là quản trang, quán xuyến tất cả. Đến tháng 4/2021, chị mới có thêm đồng nghiệp.
Một số thân nhân nhiều lần đến viếng mộ liệt sĩ, thường ghé nơi ăn nghỉ của quản trang để rửa nhờ hoa quả, mượn dĩa và mâm đựng lễ vật. Có người ở xa nên điện thoại nhờ mẹ con chị Phượng đặt lễ trước để có nhiều thời gian hơn thăm viếng liệt sĩ. Cũng không ít người mới đến lần đầu, chị Phượng hướng dẫn cặn kẽ, chỉ tận nơi ngôi mộ, hoặc dò danh sách giúp tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Chị Phượng kế tiếp mẹ, chọn nghề quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Hoàng Táo
Những năm gần đây, chị Phương hỗ trợ nhiều gia đình làm lễ online, đặt lễ vật lên mộ liệt sĩ, gọi điện video về cho gia đình để họ thắp hương vái vọng từ xa. "Nói không vất vả thì không phải, nhưng mình xuất phát từ cái tâm, phục vụ thân nhân, gắn bó với các liệt sĩ nên thấy rất đỗi bình thường", chị tâm sự.
Chị thường đến nghĩa trang từ sáng sớm, tối muộn mới về nhà. Những ngày lễ tết thì túc trực ở đây luôn. Niềm vui lớn nhất với chị là các gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ. Dành hết thời gian ở nghĩa trang liệt sĩ, chị Phượng vẫn chưa tính đến chuyện lập gia đình.
Ông Nguyễn Ái Tân, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh, cho hay nghĩa trang liệt sĩ huyện rất rộng, nhiều mộ liệt sĩ nhưng luôn sạch sẽ, ngăn nắp là nhờ sự cần mẫn của hai mẹ con bà Nguyệt. Chị Phượng không đòi hỏi, có phần thiệt thòi vì làm việc quá giờ đầy vất vả, không còn thời gian cho cuộc sống cá nhân.
"Chúng tôi từng mời chị Phượng lên Phòng Lao động làm việc, nhưng chị từ chối, muốn gắn bó với công việc quản trang. Chị chăm chỉ, nhiệt tình, trung thực, sống hết lòng với các liệt sĩ, tìm được người như thế rất khó", ông Tân nói.
Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ của hơn 53.000 liệt sĩ. Ngoài hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và 7 nghĩa trang cấp huyện thị, còn lại 63 nghĩa trang cấp xã, phường. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ xã nhưng có số hài cốt từ 500 đến gần 2.000.