Lễ cưới của anh em Pradeep và Kapil Negi với cô Sunita Chauhan tổ chức hôm 10/7, kéo dài ba ngày. Ba người họ đều thuộc bộ tộc Hatti, đi vòng quanh một ngọn lửa thiêng trong tiếng hát của dân làng.
Dù chế độ đa phu (một vợ nhiều chồng) bị cấm ở Ấn Độ, tục lệ này vẫn được duy trì hợp pháp ở một số vùng có các bộ tộc sinh sống, chủ yếu ở các cộng đồng dân cư sinh sống trên dãy Himalaya, để bảo tồn truyền thống cổ.
Hai chú rể đều là người có học thức, trình độ cao. Một người là công chức nhà nước, người còn lại làm việc ở nước ngoài. "Chúng tôi công khai thực hiện truyền thống này bởi tự hào về nó. Đây là quyết định chung của cả ba", chú rể Pradeep nói với hãng tin Press Trust of India.
Anh trai Kapil nói thêm: "Chúng tôi sẽ tương trợ lẫn nhau, mang lại sự ổn định và tình yêu thương cho vợ con mình".

Cô dâu Sunita Chauhan chụp ảnh cùng hai người chồng, anh Pradeep (trái) và Kapil Negi (phải), ngày 10/7. Ảnh: India History
Theo tục lệ, người vợ sẽ lần lượt sống cùng hai anh em theo lịch sinh hoạt đã thống nhất và cả ba sẽ cùng nhau nuôi dạy con cái. Người anh cả được công nhận là cha hợp pháp của những đứa trẻ.
Tuy nhiên, đám cưới đã vấp phải sự chỉ trích. Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Toàn Ấn Độ (AIDWA), một nhóm bảo vệ quyền phụ nữ, đã lên án sự việc.
Bà Mariam Dhawale, tổng thư ký AIDWA, nói: "Những hành vi bóc lột phụ nữ như vậy đi ngược lại các quyền cơ bản của một người phụ nữ".
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo địa phương đã lên tiếng bảo vệ. Nghị sĩ Harshwardhan Singh Chauhan khẳng định chế độ đa phu từ lâu đã là truyền thống của người dân Sirmaur, nơi có khoảng 300.000 thành viên bộ tộc Hatti sinh sống. "Chúng tôi có luật tục để bảo vệ chế độ đa phu", ông nói.
Ông Kundal Lal Shashtri, một lãnh đạo của bộ tộc Hatti, cũng bảo vệ tục lệ này bằng cách trích dẫn sử thi Mahabharata của Ấn Độ, trong đó nhân vật nữ Draupadi đã kết hôn với năm anh em.
Minh Phương (Theo Straitstimes)