Đầu tiên, tôi thấy hệ thống giao thông chưa theo kịp được với sự phát triển dân số ở các thành phố lớn, nơi mà một lượng lớn người dân ở các tỉnh đổ về làm việc, kinh doanh. Điều này cũng xảy ra tại một số thành phố lớn trên thế giới không chỉ Việt Nam. Có lẽ là chỉ khi các tỉnh cũng phát triển, người dân không phải tha hương để kiếm sống, kiếm kế sinh nhai nữa thì mới có thể được giải quyết. Thêm vào đó là cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện hệ thống giao thông.
Lý do thứ hai chính là ý thức người tham gia giao thông. Điều này cần sự phối hợp tổng thể của hệ thống giáo dục và gia đình. Ý thức con người được hình thành chủ yếu thông qua con đường giáo dục tại nhà trường và gia đình. Nếu như mỗi gia đình cũng chú trọng đến giáo dục con cháu từ những điều nhỏ như có ý thức làm việc của cá nhân mình tốt, rồi tham gia việc gia đình tốt, nghĩa là cần đạt đến mức độ không cần phải nhắc nhở, nhìn thấy là làm. Hay những việc nhỏ như tiết kiệm là tính cách, ở nhà hay đến công sở, đến nơi công cộng cũng có ý thức tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, ý thức giữ sạch môi trường chung.
Nếu chúng ta được giáo dục đúng ngay từ khi còn nhỏ, thì chúng ta cũng sẽ hành động đúng khi lớn lên, và sẽ hạn chế được rất nhiều hành động xấu xí như chen lấn xô đẩy, ra đường mạnh ai đó đi, xả rác ra môi trường, lãng phí điện, nước và vô số những hành động xấu xí khác.
Độc giả Ngọc Lan