Ngày 11/7/2010, trên sân Soccer City, Johannesburg, Nam Phi, Hà Lan đấu chung kết World Cup với Tây Ban Nha và chỉ còn cách cánh cửa vinh quang chỉ vài bước chân trước khi gục ngã bởi cú sút của Iniesta ở hiệp phụ. Gần tròn hai năm sau, ngày 17/6/2012, với 7 trong 11 cầu thủ đá chính ở Soccer City có tên trong xuất phát trận cuối cùng vòng bảng Euro 2012 gặp Bồ Đào Nha trên sân Metalist Kharkiv, Hà Lan lại ngậm ngùi rời sân với tâm thế của kẻ chiến bại.
![]() |
Rất nhiều gương mặt của Hà Lan vào chung kết World Cup 2010 vẫn còn trong đội hình thảm bại tại Euro 2012. |
Nhưng khác với giải đấu ở Nam Phi, khi họ ngẩng cao đầu về nhà và vẫn ít nhiều được xem như những người hùng dân tộc, Hà Lan rời Euro 2012 trong nỗi ê chề, thất vọng đến cùng cực. Lần đầu tiên trong lịch sử các vòng chung kết Euro, tính từ khi có thể thức thi đấu vòng bảng, Hà Lan bị loại mà không có lấy một điểm. Họ thua cả ba trận, 0-1 Đan Mạch, 1-2 Đức và 1-2 Bồ Đào Nha.
Stekelenburg, Van der Wiel, Mathijsen, De Jong, Robben, Sneijder, Van Persie là bảy người từng đá chính ở Soccer City hai năm về trước và góp mặt trong đội hình ở Kharkiv hôm 17/6. Nếu kể thêm cả Van Bommel và Van der Vaart, hai hạt nhân khác ở World Cup 2010 và là những cây đa cây đề của đội bóng dự Euro 2012, thành phần trụ cột của Hà Lan gần như được giữ nguyên vẹn (trừ hậu vệ trái Van Bronckhorst và tiền đạo Kuyt, được thay bằng Jetro Willems và Huntelaar). Đâu là lý do khiến đội ngũ chiến thắng năm 2010 trở nên sa sút đến vậy?
Hàng loạt trụ cột mất tự tin
Tâm lý có lẽ là yếu tố cần được dẫn ra đầu tiên để lý giải cho thất bại của Hà Lan trên đất Ba Lan - Ukraine. Robben đến Euro 2012 không lâu sau khi vừa cùng Bayern thua Chelsea trong trận chung kết Champions League ngay trên sân nhà Allianz Arena, trận cầu mà anh là người gây thất vọng nhất với một cú đá hỏng phạt đền ở đầu hiệp phụ thứ nhất. Sneijder, nhạc trưởng của Hà Lan ở World Cup 2010, thì vừa trải qua một mùa giải tồi tệ cùng Inter, nơi anh gặp hàng loạt vấn đề về chấn thương thể lực, tâm lý vì bị đồng đội cô lập, các HLV ghẻ lạnh.
![]() |
Robben và nhiều trụ cột khác của Hà Lan bị "chấn thương tâm lý" khi đến với Euro 2012. |
Mark Van Bommel cũng sang Ba Lan – Ukraine sau một mùa giải thất bại ở cấp CLB, nơi anh cùng Milan thất bại kép dưới tay Juventus ở cả hai mặt trận là Serie A và Cup Italy. Ở Champions League, Milan của Van Bommel bị Barca chặn đứng tại tứ kết. Khi mùa giải kết thúc, tiền vệ đeo băng thủ quân của Hà Lan này nằm trong số những món hàng hết đát, bị Milan thải loại không thương tiếc và phải hồi hương đá cho PSV. Nhiều trụ cột khác cũng không đạt được sự tự tin, hưng phấn cần thiết và vì thế, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin cũng như phong độ chung của cả đội.
Phong độ nghèo nàn của các chân sút
Van Marwijk mang đi Euro 2012 hàng công vào loại đáng mơ ước nhất thế giới, trong đó, riêng vị trí mũi nhọn đã có tới hai cỗ máy săn bàn. Klaas-Jan Huntelaar, đương kim Vua phá lưới Bundesliga và vừa ghi tới 48 bàn cho Schalke trên mọi mặt trận mùa vừa qua. Robin Van Persie, tiền đạo được săn đón bậc nhất phiên chợ hè sau khi đoạt ngôi Vua phá lưới Ngoại hạng Anh mùa vừa qua và ghi 37 bàn trên mọi mặt trận cho Arsenal. Nhưng trên đất Ba Lan - Ukraine, cả hai đều chỉ còn là cái bóng rất mờ của chính họ ở cấp CLB mùa vừa qua.
Van Persie một lần lóe sáng với tình huống dẫn bóng vào trung lộ rồi sút xa như trái phá tung lưới tuyển Đức, nhưng đã bỏ lỡ hàng tá cơ hội trong cả ba trận đấu. Huntelaar thậm chí còn không ghi được bàn nào. "Thợ săn" – như cách các CĐV gọi anh – của Schalke là nạn nhân trong việc Van Marwijk đặt niềm tin mù quáng vào Van Persie, nhưng bản thân anh cũng chơi như một kẻ nghiệp dư khi được trao cơ hội đá chính trong trận cuối với Hà Lan.
![]() |
Hai khẩu thần công Van Persie - Huntelaar bỗng dưng biến thành những khẩu cạc-bin ghỉ sét trên đất Ba Lan - Ukraine. |
Trên đất Nam Phi hai năm trước, cả Van Persie lẫn Huntelaar đều đến giải trong tâm thế hoàn toàn khác, do phong độ của họ ở cấp CLB mùa trước đó đều chỉ ở mức trung bình. Đóng góp của bộ đôi này ở World Cup 2010 cũng chỉ là mỗi người một bàn thắng, đều từ trận cuối vòng bảng (thắng Cameroon 2-1). Cách chơi của Hà Lan khi đó cũng không phụ thuộc vào các tiền đạo, mà chủ yếu phát huy những quả đấm thép từ phía sau hoặc hai biên như Sneijder, Robben, Kuyt, Van Bronckhorst. Tại Euro 2012, khi các tiền vệ sa sút (Sneijder, Robben) hoặc không được tin tưởng (Kuyt), các tiền đạo đánh mất sự chính xác, việc Hà Lan sớm dừng bước âu cũng là lẽ thường tình.
Hàng thủ thảm họa
Ở Nam Phi 2010, phòng ngự kỷ luật được xem là một chìa khóa mở ra thành công cho Hà Lan. Với cặp De Jong – Van Bommel lùi rất sâu ở tuyến giữa, bộ tứ vệ chơi ăn ý gồm Van der Wiel - Heitinga – Mathijsen – Van Bronckhorst, HLV Van Marwijk đã dựng nên một đê quai bằng thép thật sự, chắn trước cầu môn của Stekelenburg. Đê quai ấy đã làm lu mờ những cầu thủ tấn công hay nhất thế giới thời điểm ấy như Eto’o, Forlan, Suarez, Luis Fabiano, Robinho, Kaka, David Villa, Torres. Trong trận chung kết với Tây Ban Nha, họ đá kỷ luật, trụ vững suốt hơn 100 phút thi đấu và suýt đưa hai đội tới chỗ phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu, nếu không vì khoảnh khắc lóe sáng của Iniesta ở phút 116.
Hai năm sau, chẳng còn ai nhận ra đê quai hùng vĩ ấy. Mathijsen nghỉ trận đấu và chơi dưới sức trong hai trận cuối vòng bảng. Heitinga, Van der Wiel, De Jong hóa tầm thường, Van Bommel nặng nề vì tuổi tác. Những gương mặt dự bị như Bouma, Ron Vlaars năng lực có hạn. Hệ thống phòng ngự Hà Lan vì thế thủng lỗ chỗ, thường xuyên để lộ ra các khoảng trống chết người.
![]() |
Thăng hoa ở World Cup 2010, nhưng tại Euro 2012, Van der Wiel (áo đen) chơi rất tầm thường. Anh nhiều lần bị biến thành gã khờ và thường xuyên thất bại trong các cuộc đấu tay đôi với Ronaldo trong trận cuối vòng bảng. |
Bên cánh trái, từ hành trình vòng loại, Hà Lan tìm thấy Erik Pieters, người kế thừa xứng đáng vị trí của Van Bronckhorst đã giải nghệ, nhưng đúng thời điểm tập trung đội tuyển, cầu thủ của PSV lại dính chấn thương và bị loại. Stijn Schaars được thử nghiệm thay thế, nhưng vào phút chót, Van Marwijk lại chọn Jetro Willems, tài năng mới 18 tuổi. Được kỳ vọng sẽ là phát hiện của giải, như Van der Wiel ở World Cup 2010, nhưng Willems cho thấy anh quá non nớt để gánh vác trọng trách. Với một hàng thủ tệ hại như thế, Hà Lan có lẽ vẫn phải thấy họ may mắn khi chỉ thủng lưới có ... năm bàn tại Euro 2012.
Dớp thất bại của nhà Á quân thế giới
Yếu tố này nặng tính tâm linh, nhưng theo một bộ phận giới chuyên môn ở Hà Lan, cũng là một lý do khiến đội tuyển của họ thảm bại. Tính từ khi các kỳ Euro bắt đầu thi đấu theo thể thức vòng bảng đến trước giải năm nay, đã có tới năm trong số sáu nhà Á quân World Cup đều bị loại ngay từ vòng bảng kỳ Euro kế tiếp. Các nạn nhân của cái dớp này gồm có chính Hà Lan năm 1980, Tây Đức năm 1984, Italy năm 1996, Đức năm 2004 và Pháp năm 2008.
Đội Á quân thế thế giới duy nhất không vướng cái dớp kỳ lạ trên trong thời gian này là Tây Đức. Hai năm sau khi về nhì ở World Cup 1986, đội bóng của những Brehme, Rudi Voeller, Littbarski, Matthaeus tiếp túc chơi xuất sắc khi xếp nhất vòng bảng ở Euro 1988 và giành vé vào bán kết (Euro khi đó chỉ có tám đội, hết vòng bảng vào luôn bán kết). Đội đánh bại Tây Đức ở bán kết năm ấy rồi lên ngôi vô địch sau khi thắng tiếp Liên Xô (cũ) ở chung kết chính là Hà Lan của những Van Basten, Gullit, Rijkaard, Koeman.
Với thất bại thảm hại tại Ba Lan – Ukraine, Hà Lan của Sneijder, Robben, Van Persie... nối bước các bậc tiền bội, trở thành nhà Á quân World Cup thứ sáu rời cuộc chơi ở kỳ Euro tiếp theo ngay từ vòng bảng.
Minh Kha