Anh nhớ lúc mẹ mang thai được mấy tháng, có lần anh hỏi mẹ: "Có phải em chui ra từ bụng". Để rồi khi sinh xong, mẹ kể cho cả nhà nghe rằng suốt thời gian mang thai, mẹ sống trong lo âu vì sợ phải mổ. Mẹ sợ vì nhà mình nghèo thì tiền đâu mà mổ.
Anh nhớ một buổi sáng tháng mười, trời miền Trung mưa lất phất. Nơi gian buồng trong của già đình mình cất lên những tiếng khóc "Oe..Oe ..." kèm theo tiếng vọng ra của bà đỡ: "Một cô con gái". Lúc đó anh mới 6 tuổi, đứng ngoài cửa thấp thỏm nhìn vào mà chẳng biết giây phút thiêng liêng vừa đến với gia đình mình và cũng chẳng biết mình lên chức làm anh.
Anh nhớ trong giây phút đó, cha nắm tay anh dắt ra ngoài vườn, nói: "Cha mẹ muốn sinh cho con một đứa em trai, nhưng giờ con gái. Thôi thì con gái cũng được, sau này nó giặt quần áo cho". Cha còn dặn anh: "Cha mẹ vẫn luôn thương yêu con, và con nhớ phải thương em". Anh biết cha dặn thế chỉ vì lúc mẹ mang thai em thì các anh hàng xóm toàn trêu anh rằng: "Sinh em rồi cha mẹ chẳng thương mày nữa".

Anh nhớ, lúc em được mấy tháng có một lần cả gia đình đi làm đồng hết. Mẹ bảo anh ở nhà trông em. Trên chiếc võng được mắc dưới gian lều, anh nằm ru em mà chẳng dám cựa quậy. Đến chiều rồi mà cả nhà chưa về, anh thì buồn đi WC vậy mà cũng chả dám đi vì sợ em khóc. May cho anh lúc đó có bà hàng xóm chạy sang hỏi mẹ đi đâu. Anh mếu máo kể cho bà nghe và bà giúp anh trông em một lúc.
Em gái! Đã 23 năm kể từ ngày em chào đời. Tuổi thơ và cuộc đời em lớn lên trong sự mất mát, thiếu thốn tình yêu thương của cha. Ngày cha ra đi em mới hơn hai tuổi. Chẳng hề biết gì, để rồi khóc toáng lên khi người ta chít cho em vành khăn trắng lên đầu. Em quá nhỏ để hiểu sự mất mát, quá dại để hiểu được nỗi đau. Mọi hình ảnh của cha trong em gần như chỉ là sự mơ hồ tưởng tượng qua lời kể của người thân. Đôi khi anh thấy đau và thương em vì chẳng thể nào có được một ký ức về cha cho trọn vẹn.
Mới đó mà chúng ta đã mồ côi 20 năm. Nhiều lúc anh chợt nghĩ giá mà cha còn sống thì anh em mình đâu phải vất vả như hôm nay. Giá mà cha còn sống thì mẹ cũng chẳng phải khổ cực nuôi nấng những đứa con tuổi ăn tuổi lớn thành người. Anh đã giận và rất giận trước sự dại dột nông nổi của em, để rồi hơn hai tháng trời anh chẳng gọi về nhà. Mẹ và các chị cũng sợ anh nên chả ai dám gọi điện sang. Anh đã đau, đã khóc trước sự dại dột nông nổi mà em gây ra.
Nhưng bạn anh nói đúng, sự nông nỗi dại dột mà em gây ra cũng có một phần lỗi của anh. 9 năm rồi, từ ngày anh cất bước xa quê. Chín năm, cả thời con gái của em cơ đấy. Khoảng thời gian anh em mình gặp nhau được tính bằng mấy bữa cơm. Chín năm anh đã vô tình mà chẳng quan tâm em đến nơi đến chốn. Tự thấy mình có lỗi với em, có lỗi với mẹ và cả với cha nữa. "Sống ở đời ai cũng có lần nông nổi", anh vịn vào câu nói của thằng bạn thân mà tha thứ cho em và cũng là tự nhắc nhở bản thân mình phải quan tâm yêu thương em hơn.
Em gái yêu quý! Hôm nay trong căn nhà nhỏ của gia đình mình sẽ nhộn nhịp hơn ngày thường vì hôm nay là ngày em lên xe hoa. Tám năm trước khi chị đi lấy chồng anh vẫn ở Đài Loan, lúc đó nhớ nhà đến điên dại để rồi khóc òa lên khi chị con bác vừa mếu máo vừa hỏi: "Chắc em nhớ nhà lắm". Em lên xe hoa anh lại không về, nỗi nhớ trong anh cứ cồn cào trỗi dậy, ao ước muốn về lắm em ạ! Bạn anh thường nói: "Về đi, người ta sống được mình sống được". Đôi khi anh cũng muốn bỏ tất cả để trở về, để chẳng còn nhớ nhung, để chẳng phải sợ mẹ một mình trong căn nhà vắng. Nhưng rồi anh tự hỏi mình: "Về rồi, làm gì để sống". Không bằng cấp, không nghề nghiệp. Đã bao nhiêu lần anh suy nghĩ chuyện về hay ở, để rồi nặng lòng quyết định ở lại chỉ mong cho cuộc sống mình sau này đỡ khổ đỡ vất vả dù biết thế là có lỗi với mẹ.
Hôm nay đây, mọi người sẽ nhớ anh lắm. Nhiều người sẽ nhắc tên anh, nhất là mấy bà chị họ vì lo cho thằng em trai đi xa ế vợ. Hôm nay đây em về nhà chồng, ngày trọng đại nhất đời em. Hãy vui lên em nhé, lộng lẫy lên em nhé. Dẫu đã từng nông nổi cho mọi người cười chê thì hôm nay em cũng ngẩng đầu đầu lên miễn là vợ chồng em biết yêu thương nhau, sẻ chia cùng nhau.
Em về nhà chồng rồi, chỉ còn mẹ một mình. Mẹ sẽ buồn và cô đơn hơn. Em gắng thỉnh thoảng ghé về qua mẹ giúp anh với nhé. Cố gắng giúp anh chăm sóc mẹ một phần trong những ngày anh đi xa. Em về nhà chồng rồi, hãy cố gắng sống thật hạnh phúc vì đó cũng là một phần hạnh phúc của mẹ và các anh chị. Về nhà chồng rồi, chẳng còn được ngủ nướng, chẳng còn được rong ruổi vô tư như trước đâu em gái nha! Về nhà chồng rồi cuộc sống sẽ khác sẽ vất vả hơn, suy nghĩ lo toan nhiều hơn. Hãy cố gắng lên em. Anh tin em sẽ làm tốt bổn phận của một người vợ, một người con dâu và một người mẹ tốt. Anh luôn luôn tin như thế!
Bên này đã gần 5h, cũng là lúc em sắp sửa bước về nhà chồng. Anh ngồi đây viết những dòng này cho em, như muốn sẻ chia cùng em những cảm xúc. Ở xa, anh chỉ biết chúc cho hai vợ chồng em hạnh phúc. Hẹn em và đại gia đình một ngày không xa nữa, nhất định anh sẽ về. Gia đình mình sẽ đoàn tụ và khi đó anh hứa sẽ kiếm cho mẹ một cô con dâu.
Thành Đặng
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com