Ý thức được sự độc hại của bụi mịn, người dân cố gắng bảo vệ bản thân bằng nhiều cách, như dùng khẩu trang, trang bị máy lọc không khí... Bạn bè, người thân của tôi vẫn thường than phiền về tình trạng ô nhiễm không khí. Lắm lúc bế tắc, họ chỉ còn biết mong mưa to một trận, để rửa trôi bụi bẩn, cho trời đất trong lành trở lại. Nhưng đây thực ra là một trong các ngộ nhận về ô nhiễm không khí. Bụi mịn trong không khí có thể được làm sạch dưới trận mưa to kéo dài khoảng 10 phút. Nhưng bụi mịn không thể giải quyết tận gốc bằng mưa. Nếu được, với lượng mưa nhiều của Việt Nam, ô nhiễm đã không trầm trọng thêm năm nay qua năm khác.
Có nhiều lý do cho sự bất khả thi này. Trước hết là vì gió. Mưa to luôn kèm theo gió, làm phát tán bụi. Một nghiên cứu của Trung Quốc ước chừng 27-36% lượng bụi mịn bị đẩy đi vì gió, rồi sau đó trở lại. Mặt khác, mùa đông Hà Nội thường không có mưa lớn mà chỉ mưa phùn lất phất trong giá lạnh. Nếu mưa to, đường sẽ sình tắc lênh láng, chứ nước không trôi tuột xuống cống. Do vậy, bụi mịn vẫn nằm trên mặt đất, đợi nắng đến là bay lên. Nhiều khi mưa không giúp gì mà còn gây thêm sương mù, giúp bụi mịn tiếp tục lơ lửng trong không khí. Như vậy mưa chỉ là hớp dưỡng khí cho người dân Hà Nội đang ngụp lặn trong biển bụi chứ không phải một phương án giải thoát.
Bụi mịn là một loại ô nhiễm ngoan cố, khi đã tạo ra sẽ rất khó bị làm sạch hiệu quả. Nó sẽ tích lũy từ năm này qua năm khác và vấn đề ngày một trầm trọng hơn.
Bụi mịn PM 2.5 không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nên việc cho rằng bụi mịn PM 2.5 làm đục không khí là chưa chính xác. Không khí mờ đục ở Hà Nội chủ yếu là do "đám mây" dày đặc bụi PM10, thậm chí là các hạt kích thước lớn hơn. Trong khi đó, PM 2.5 không thể nhìn thấy và thấm trực tiếp vào mạch máu thành phổi. Như vậy, tình hình ô nhiễm không khí của Hà Nội thậm chí có thể bi đát hơn những gì bạn thấy. Khoảng 60% bụi trong nhà của bạn là tới từ ngoài đường, và khoảng 40% bụi sẽ được tích tụ sang năm tiếp theo, bất chấp những nỗ lực lau rửa thông thường.
Khi tôi mua máy lọc không khí cho gia đình ở Việt Nam, chỉ số PM 2.5 luôn dưới 10. Nhưng mỗi khi tổng vệ sinh và bật quạt cho khô, chỉ số luôn vọt lên hơn 100, thậm chí có lúc hơn 200. Đó là do bụi bị khuấy lên mà không bị lau rửa. Mặc cho lau chùi kỹ cách nào, mỗi lần tổng vệ sinh là lại ra một đống bụi.
Có ý kiến cho rằng vấn đề của ô nhiễm nằm ở bụi, nhưng theo tôi còn nằm ở hàm lượng kim loại và lượng vi sinh ở trong không khí. Bụi gây ra các bệnh về hô hấp, nhưng viêm đường hô hấp chủ yếu là do vi sinh. Một nghiên cứu của Mỹ năm 2006 đã chỉ ra rằng có thể có tới 1.800 loại vi khuẩn khác nhau trong không khí. Khi đi qua các điểm tập kết rác, bạn không chỉ hít vào một mùi khó ngửi mà còn có sáu nhóm vi sinh gây hại trực tiếp cho sức khỏe, ảnh hưởng tới hệ hô hấp và tuần hoàn. Khi hóa vàng, bạn không chỉ hít vào một lượng lớn CO do hiện tượng cháy yếm khí, mà còn có một lượng đáng kể bụi kim loại, chủ yếu là nhôm và đồng do được dùng để làm màu vàng bạc.
Để có chiến lược hiệu quả với bụi mịn, tôi cho rằng trước hết cần xác định đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội hay TP HCM.
Trước hết cần siết tiêu chuẩn toàn quốc đối với xăng dầu và các loại xe. Trong khoảng 20 năm từ 1998 tới 2018, chính quyền Trung Quốc đã ban hành năm lần tiêu chuẩn khí thải mới với điều kiện ngày càng nghiêm khắc hơn và sáu lần nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu. Các loại xe cũ, gây ô nhiễm, thải nhiều khí thải... được dán nhãn vàng và loại bỏ dần dần. Tới năm 2013, tất cả xe dán nhãn vàng đều đã bị loại bỏ.
Cũng trong năm này, các chỉ số ô nhiễm giảm tới 40% so với năm 1998, lúc bắt đầu chiến dịch. Thế nhưng số ngày sương mù ở Bắc Kinh vẫn rất cao. Chính quyền Bắc Kinh ý thức được ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của một thành phố và quyết tâm làm rộng ra với hàng trăm cây số. Liên minh Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc được thành lập với 28 thành phố hiệp đồng chống ô nhiễm không khí. Kết quả là từ năm 2021, Bắc Kinh liên tục đạt chuẩn chất lượng không khí của Trung Quốc với chỉ số PM 2.5 trung bình chỉ 30 μg/m3. Ngân hàng Thế giới cho rằng chỉ một phần ba lượng bụi mịn của Hà Nội đến từ Hà Nội, thế nên việc phải lập liên minh có thể là hành động bắt buộc.
Bên cạnh đó cần xử lý các nguồn bụi khác. Nên nghiêm cấm đốt rác và rơm rạ mà không được xử lý thích hợp ở bất cứ đâu, chứ không riêng gì khu dân cư và đường quốc lộ. Khi đã phát tán vào không khí, bụi mịn có thể di chuyển hàng trăm cây số. Vào ngày mùa, biomass từ việc đốt rơm rạ có thể chiếm tới 43% lượng bụi ở Thái Lan.
Thêm vào đó, cũng cần siết chặt hơn quy định với các công trường xây dựng. Mặc dù đã có che chắn và tưới nước, quan sát của tôi cho thấy các công trường xây dựng ở Việt Nam vẫn bốc bụi mù mịt gấp nhiều lần ở Australia. Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật như hệ thống xử lý, vật liệu, công nghệ... tôi cho rằng còn do chế tài quản lý. Nếu gây ô nhiễm bụi ở Australia, công trình sẽ bị dừng thi công ngay lập tức cho tới khi khắc phục được. Sydney phạt tới 5 triệu AUD các công ty gây ô nhiễm. Điều này gây tổn hại kinh tế và ảnh hưởng danh tiếng đơn vị thi công. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhà thầu thường xin người dân thông cảm.
Những cố gắng "trị ngọn" đều không hiệu quả với ô nhiễm không khí. Có rất nhiều nỗ lực chế tạo máy lọc không khí cỡ lớn để sử dụng ngoài trời. Tuy nhiên thường các máy này chỉ có tác dụng trong khoảng 20 m mà lại tốn kém. Vậy nên, Hà Nội cần thêm công viên, cây xanh, nâng cấp hệ thống thoát nước và tăng cường rửa đường. Nên có quy định về tỷ lệ xanh (Green Plot Ratio) cho chung cư và cao ốc.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, nếu không quyết liệt chiến đấu với bụi, sau mỗi năm tình hình ô nhiễm và các chỉ số có thể sẽ tệ hơn khoảng 15-20%, gió mưa nào cũng không cứu nổi.
Tô Thức