Những người Việt xa xứ luôn tâm niệm, ở đâu có tiếng Việt thì ở đó có người Việt. Vì vậy, những người lớn tuổi luôn nỗ lực dạy cho lớp trẻ thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ biết tiếng Việt như là một trong những cách gìn giữ cội nguồn nơi đất khách.
Việc dạy học tiếng Việt trong nước đã khó, nên việc dạy học tiếng Việt ở nước ngoài càng khó hơn. Bọn trẻ được sinh ra và lớn lên ở Mỹ đi học tiếng Việt có khác gì việc chúng ta đi học ngoại ngữ. Nhưng không thể vì khó mà chúng ta không dạy ngôn ngữ dân tộc cho con trẻ.
Ở Mỹ, khi đến bất cứ ngôi chùa Việt Nam hoặc đến bất cứ nhà thờ nào có cộng đồng người Việt thì bạn điều thấy có lớp dạy Việt ngữ. Những giáo viên ở đây đều là những người tình nguyện, họ không nhận bất cứ thù lao nào khi dạy tiếng Việt cho trẻ. Lớp học thường dạy vào chủ nhật sau khi tan lễ. Vì vậy cũng thuận tiện cho cha mẹ đưa rước con đi học. Nhiều đứa trẻ sau một thời gian đến lớp học đã biết đọc, biết viết và không còn nói những câu lạ tai như: "Mẹ ơi, cái áo của con bị 'bể', mẹ may lại dùm con"; "Con thích ăn bánh lọc bà ngoại làm nhưng con không muốn có con tôm 'ngồi' trong đó"; "Cái ly đó tự 'té' chứ không phải con".
![Cháu mừng tuổi bà ngoại ngày mồng 1 Tết.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/28/Untitled-2-5193-1432800053.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gdEfLZzcwXU5PsilZDBGzg)
Cháu mừng tuổi bà ngoại ngày mồng một Tết.
Đối với những gia đình quan tâm đến việc gìn giữ tiếng Việt thì trẻ sẽ nghe nói tiếng Việt giỏi hơn do các em có môi trường rèn luyện ở nhà mỗi ngày. Ở nhà bạn tôi, các con rất thích ăn những món ăn do bà ngoại nấu nên bà thường bắt các cháu muốn ăn gì thì phải nói bằng tiếng Việt vì nói tiếng Mỹ bà không hiểu. Có hôm đứa cháu ngoại đi học về đói bụng quá muốn ăn cơm nên cháu nói với bà ngoại: "I'm hungry". Bà ngoại làm ra vẻ không hiểu, thế là cậu bé buồn bã ra sofa nằm suy nghĩ một hồi rồi chạy đến gặp bà ngoại nói bằng tiếng Việt: "Bà ngoại ơi, con đói bụng". Thế là cậu bé được bà ngoại dọn cho một bữa cơm thịnh soạn như một phần thưởng.
Bên cạnh việc nỗ lực dạy tiếng Việt cho trẻ, nhiều gia đình người Việt còn tạo điều kiện cho con cháu có những trải nghiệm về các lễ hội văn hóa dân tộc, để từ đó con trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn. Những ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Nguyên đán luôn được tổ chức long trọng ở những nơi có cộng đồng người Việt.
Ngày Tết cổ truyền trên đất khách thì không thể nào sánh bằng ở Việt Nam nhưng nhiều gia đình người Việt cũng dành thời gian để trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ tổ tiên, nấu vài món ăn mang hương vị quê hương như thịt kho hột vịt, dưa cải muối và đặt mua vài cái bánh chưng, bánh tét. Vào đêm giao thừa, nhiều gia đình tổ chức tiệc ăn uống, cùng thức đợi đồng hồ điểm 24h để cúng gia tiên và cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới. Có người còn không ngại mưa tuyết, lái xe đến chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm.
Ngày Tết Nguyên đán không phải là ngày nghỉ lễ bên Mỹ nên mọi người vẫn phải đi làm bình thường. Mặc dù vậy, nhưng nhiều gia đình người Việt tranh thủ thức dậy sớm để cúng mâm cơm tổ tiên, cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Như bao đứa trẻ khác, trẻ con ở đây cũng rất thích được nhận bao lì xì nên chúng chịu khó học thuộc những câu chúc Tết bằng tiếng Việt.
Không chỉ có những người lớn tuổi mới quan tâm đến việc giữ gìn văn hoá dân tộc mà các em trưởng thành ở Mỹ cũng tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó bằng việc tổ chức nhiều hoạt động vui tươi, sôi nổi. Tháng 3 vừa qua, tôi được tham dự Ngày hội Văn hóa do Hội sinh viên Việt Nam ở Trường Đại học Boston tổ chức. Tôi cảm nhận được những thông điệp hướng về cội nguồn mà các em muốn chia sẻ qua các tiết mục biểu diễn với chủ đề: Labeled. Cuối cùng, các em khẳng định dù các em được sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng các em vẫn mang trong người dòng máu Việt Nam và các em tự hào vì điều đó.
Có thể nói trong sâu thẳm trái tim những người Việt Nam xa xứ luôn hướng về quê cha đất tổ và luôn nỗ lực không ngừng để gìn giữ cội nguồn nơi đất khách.
Ngọc Nhẫn
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com