Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là người sáng lập trường Đại học Thăng Long - trường đại học tư thục đầu tiên của cả nước. Ở tuổi hơn 92, bà vẫn theo dõi thường xuyên những diễn biến chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là mối quan tâm của bà cho giáo dục bậc cao vẫn còn nguyên nhiệt huyết.
"Nói đến giáo dục là nói đến đào tạo nhân tài mà trước hết phải nhìn thấy những tố chất nào để có được nhân tài".
Rồi bà viết một công thức toán học giản dị mà sâu sắc - như chính cuộc đời mình:
"z = ax + by"
Trong buổi trò chuyện với VnExpress, bà chia sẻ trăn trở về định hướng phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập tri thức toàn cầu.
- Thưa Giáo sư, trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên đổi mới toàn diện với "Bộ tứ trụ cột" gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68, bà nhìn nhận cơ hội nào cho giáo dục đại học tư thục, đặc biệt là các mô hình như trường Đại học Thăng Long?
- Tôi cho rằng nhiệm vụ của một trường đại học là tập trung vào hai khía cạnh quan trọng nhất là đào tạo và nghiên cứu. Nếu chỉ tập trung đào tạo mà không có nghiên cứu song song, thì năng lực chuyên môn của giảng viên sẽ yếu dần khi không cập nhật được các tiến bộ của khoa học. Thế thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao mà xã hội phát triển đòi hỏi ngày càng cao hiện nay. Điều đó tự nhiên dẫn tới chuyện sinh viên không vào học nữa, nhà trường phải đóng cửa. Nhưng chúng ta cũng phải tìm hiểu nguyên do mà trường đại học chưa làm được mảng nghiên cứu. Thông thường, ngân sách của trường đại học đến từ học phí, tài trợ của nhà nước, hiến tặng của doanh nghiệp, tiền thu từ nghiên cứu khoa học.
Hiện tại, các trường đại học tư thục của Việt Nam hầu như chỉ có nguồn thu học phí, trong khi vẫn đóng thuế. Do đó, các trường thu chỉ đủ chi thường xuyên, không có tiền cho nghiên cứu khoa học. Đây là bài toán chưa có lời giải. Điều này dẫn tới một số hiện tượng để làm mọi cách có được sinh viên của một số trường cả tư lẫn công, là để có tiền phát triển trường, để thoát khỏi tình cảnh chỉ đủ tiền chi thường xuyên. Đó là một việc làm mà chẳng ai muốn làm.
Tôi nghĩ để có thể phát triển mảng nghiên cứu, các trường tư thục, trong đó có Trường Đại học Thăng Long mong muốn Nhà nước cho thuê đất sạch với giá ưu tiên, cho miễn giảm thuế, để có thể mở rộng phát triển trường, từ đó có tiền xây dựng đội ngũ giảng dạy chất lượng cao đi vào nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã loay hoay với các ý nghĩ đó từ rất lâu rồi, nhưng không biết làm thế nào có được. May quá, giờ đây đã có các Nghị Quyết 57, 59, 66, 68 mà chúng tôi nghĩ sẽ mang lại lời giải cho bài toán đau đầu hóc búa của chúng tôi.
Cho nên chúng tôi tin tưởng các Nghị quyết của công cuộc Đổi Mới Toàn Diện sẽ nhanh chóng được thực hiện có hiệu quả và các trường đại học nhanh chóng xây dựng được đội ngũ giảng dạy có chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của một xã hội phát triển trong thời đại mà khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
- Trước đây, bà từng nêu tầm nhìn 100 năm của bà cho trường Đại học Thăng Long chia thành 3 giai đoạn. Hiện nay trường đang đi tới đâu trên hành trình này?
Năm 1988, khi Trường Đại học Thăng Long được thành lập coi như một mô hình thí điểm "trường đại học do tư nhân sáng lập", các nhà khởi xướng chúng tôi ở trong tình trạng "không vốn và không đất đai" cũng như mọi người dân thời bấy giờ, ngoài lời hứa của một số trí thức Việt kiều ở Pháp là trích lương hàng tháng để trường hoạt động. Thật là một ý tưởng lãng mạn của mấy nhà toán học thiếu thực tế!
Nhanh chóng trường đi vào tình thế vô cùng khó khăn. Ông hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng quản trị phải kiêm luôn nhiều chức vụ. Trường thì phải đi thuê, nơi tốt thì được vài năm, nơi không tốt thì được vài tháng. Mỗi buổi trưa, sau khi xong việc, hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng quản trị lại rong ruổi trên xe máy chạy trên những quãng đường ngoại ô Hà Nội để tìm cơ sở dài lâu hơn cho trường, đến đâu người ta cũng bảo có trường qua họ rồi nghĩa là các bạn ở các trường khác cũng ở trong tình cảnh như chúng tôi.
Tóm lại chúng tôi đang ở trong một bi hài kịch, sống không biết ngày mai. Trước tình hình nguy ngập đó, chúng tôi phải trấn tĩnh lại, phải làm kế hoạch để biết cái gì làm trước, cái gì làm sau. Trăn trở mãi, loay hoay mãi, rồi kế hoạch 100 năm xây dựng trường ra đời để có một trường đại học thực sự.
Chúng tôi may mắn có ý nghĩ gửi một kỹ sư có tâm huyết với trường sang Pháp tìm hiểu các trường đại học và viện nghiên cứu bên đó xây dựng như thế nào. Rồi lại được một nhà Khoa học Việt kiều hỗ trợ đưa đi xem một số đại học và viện nghiên cứu ở Paris. Về nước, người đó tìm đến các bạn cũng là kỹ sư xây dựng xin trợ giúp.
Vì trong nghề xây dựng, nên họ nhanh chóng tìm được đất và vốn. Bắt đầu xây từ 2005, đến đầu năm 2008 chúng tôi dọn đến trường mới mà ai đến thăm cũng khen là đẹp và xây với giá rẻ bất ngờ.
Kế hoạch 100 năm được phần nào thực hiện theo đúng thời hạn quy định: 20 năm, từ 1988 đến 2008, chúng tôi đã có trường, không phải khổ sở đi thuê nữa. Tiếp sau đó là kế hoạch tiến sĩ hóa đội ngũ trong 40 năm mà ai cũng phải kêu là tại sao để nhiều thời gian như vậy. Nhưng thực tế diễn ra trong 17 năm từ 2008 đến năm 2025, chứng tỏ kế hoạch tiến rất chậm do không có tiền để hỗ trợ nghiên cứu.
- Bà thường nhắc đến Đại học Harvard (Mỹ) là một nguồn cảm hứng để hướng tới hành trình xây dựng trường đại học mạnh về nghiên cứu. Theo bà, những "bài toán đổi mới giáo dục" nào đang là mấu chốt để Việt Nam tạo ra một đại học có ảnh hưởng quốc tế?
- Một đại học có ảnh hưởng quốc tế là đại học tuyển được nhiều sinh viên chất lượng cao trong và ngoài nước, có nhiều giáo sư uy tín lớn trong cộng đồng khoa học quốc tế. Tôi nghĩ muốn có đại học cao như vậy, bài toán đầu tiên cho đổi mới giáo dục là làm cho mọi người dân được hưởng giáo dục.
Hiện nay Nhà nước đã ban hành sắc lệnh miễn học phí cho học sinh mọi cấp. Việc này rất có ý nghĩa đối với học sinh nông thôn, vì nhiều cháu đã phải bỏ học giữa chừng dù học giỏi do gia đình không có tiền đóng học phí trong khi nông dân hiện nay là thành phần đông nhất của xã hội ta. Khi mọi người được hưởng giáo dục thì việc đào tạo nhân lực chất lượng cao mới có hiệu quả. Mấy chục năm dạy học đã cho tôi nhận định: người tài, theo tỷ lệ, là như nhau trong các thành phần xã hội.
Bài toán đổi mới giáo dục thứ hai là làm sao để các trường đại học không chỉ đào tạo mà còn nghiên cứu. Các trường đại học trên thế giới có tài trợ rất lớn từ Nhà nước và doanh nghiệp để làm nghiên cứu khoa học, dù học phí đã rất cao. Một tin vui mới đây:
- Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố 21 bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Như vậy các trường đại học có cơ hội giao việc với những dự án dài hơi từ Nhà nước và doanh nghiệp?
- Với những dự án lớn, các giáo sư được làm nghề đúng sở trường với thu nhập cao xứng với "làm ngày, làm đêm, làm cả ngày nghỉ" mà công việc của người nghiên cứu khoa học đòi hỏi; còn nghiên cứu sinh có cơ hội tìm được đề tài nghiên cứu và học bổng khi tham gia dự án và nếu dự án là lớn thì có thể tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu nghĩa là làm nghiên cứu sau tiến sĩ.
- Trong thời đại AI, dữ liệu lớn và chuyển đổi số, nhiều quốc gia đang tận dụng thế mạnh toán học như một đòn bẩy chiến lược. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam biến toán học thành lợi thế chiến lược của quốc gia?
- Chương trình đại học mọi nơi trên thế giới chứng tỏ toán học có mặt trong nhiều môn quan trọng mà người làm khoa học không thể bỏ qua.
Trong nhiều dịp tôi đưa học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế, các trưởng đoàn của nhiều nước rất thắc mắc: vì sao học sinh Việt Nam, một nước
rất nghèo vì chiến tranh và cấm vận, lại đứng ở top các nước có nền kinh tế phát triển và có truyền thống về toán học.
Tôi trả lời họ rằng "vì truyền thống làm thơ của giáo dục thời xưa, làm thơ và làm toán đều đòi hỏi một đầu óc có khả năng trừu tượng cao".
Nghe câu trả lời, mọi người đồng ý vì nhiều nhà toán học rất thích làm thơ và đánh đàn. Từ Thơ và Toán có quan hệ với nhau, ta cần phải chú ý đến việc làm chương trình cho phổ thông và đại học; xem xét quan hệ của Toán với các môn học khác; chẳng hạn tại sao nhiều nhà toán học thích đàn, thích chơi một nhạc cụ nào đó.
Quan hệ của Toán với Vật lý, với Kinh tế, với nhiều môn giảng dạy trong chương trình phổ thông và đại học hiện nay là rõ ràng, nhưng với Thơ và Nhạc thì ta chưa đề cập đến. Nghiên cứu quan hệ của các môn học với Toán sẽ nâng cao việc học Toán, học dễ dàng hơn, hứng thú hơn, để Toán thành lợi thế chiến lược của quốc gia.
- Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ toán học, với sự hướng dẫn của thiên tài toán học Alexander Grothendieck. Ông ấy đã để lại di sản nào cho bà mà bà trân trọng nhất?
Tôi không gặp Giáo sư Grothendieck nhiều vì khoảng cách địa dư, nhưng ông đã để lại cho tôi một di sản vô giá, đó là: Làm cho điều khó trở nên dễ và Sống chân thật với bản thân và mọi người. Và để gìn giữ di sản đó của ông, tôi nghĩ không có gì khác là lao động miệt mài và nghĩ thật, nói thật.
- Để chọn 3 từ khóa quan trọng nhất mà nhờ đó đã giúp Giáo sư thực hiện được cuộc "dấn thân trí tuệ" của một người lãnh đạo khai phá lối đi riêng, Giáo sư sẽ chọn 3 từ gì?
- Trong hành trình đặt nền móng và chèo lái trường Đại học Thăng Long, tôi luôn luôn nghĩ đến 3 từ "Lao động - Kiên trì - Lương thiện" và tôi cũng luôn luôn nói với sinh viên 3 từ đó. Vì sao lại 3 từ đó? Đó là điều tôi đúc kết được từ khi làm kế hoạch 100 năm và tiến hành triển khai kế hoạch.
- Thưa bà, Hiệu trưởng Trương Nhật Hoa là người tiếp nối tâm huyết của bà và đang dẫn dắt Trường Đại học Thăng Long - công trình gắn bó cả cuộc đời bà. Bà muốn vị lãnh đạo trẻ này sẽ lãnh đạo ngôi trường với kim chỉ nam như thế nào?
Tôi luôn tin vào thế hệ trẻ. Là người già, sức khỏe suy yếu dần đi do bệnh tật của tuổi tác mà do đó không còn khả năng cập nhật tiến bộ của khoa học và công nghệ, thêm đó kinh nghiệm của tôi là kinh nghiệm của thời bao cấp và thời internet, còn thời của các bạn trẻ hiện nay là thời AI và chuyển đổi số.
Khi người lớn tuổi đề bạt người trẻ làm lãnh đạo, họ thường có quan ngại là "chưa đủ kinh nghiệm." Nhưng chỉ có người trẻ mới có sức khỏe để cập nhật tiến bộ của khoa học và công nghệ. Chúng ta cần những người lãnh đạo trẻ giữ trọng trách xây dựng tương lai của giáo dục Việt Nam vì họ có sức khỏe, có kiến thức mới để vượt lên trong cơn sóng lớn của khoa học và công nghệ ngày nay.
Nói đến giáo dục là nói đến đào tạo nhân tài mà trước hết phải nhìn thấy những tố chất nào để có được nhân tài. Tôi luôn nói với Trương Nhật Hoa rằng: "Nhân tài là 99% lao động bền bỉ và 1% là năng khiếu". Hay nếu dùng ký hiệu toán học để viết câu trên: z = ax + by trong đó z là ký hiệu cho từ nhân tài, x là lao động bền bỉ, y là năng khiếu, a là 99% và b là 1%.
Tôi muốn đó là kim chỉ nam cho Hoa và cho các bạn đồng nghiệp trẻ trường Đại học Thăng Long, một nơi mà nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc Đổi mới toàn diện để đưa dân tộc vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên của phồn vinh, hùng cường.
Nội dung: Chi Dung
Thiết kế: S-Word
Ảnh: Trường Đại học Thăng Long