Gia đình đưa bé vào bệnh viện địa phương trong tình trạng ngưng tim. Các bác sĩ sơ cứu tim đập trở lại, ổn định huyết áp bằng thuốc vận mạch liều cao. Siêu âm tim và xét nghiệm ghi nhận bé viêm cơ tim, sốc tim, men tim rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 12/4 cho biết bé được chuyển đến 6 ngày trước "trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc". Các bác sĩ thiết lập hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO), tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi.
Bé gặp nhiều vấn đề cam go như rối loạn nhịp, ứ máu buồng tim. Bác sĩ Trần Công Bảo Phụng, Trưởng Đơn vị thông tim can thiệp và ê kíp đã phẫu thuật xé vách buồng tim cấp cứu tại giường lúc 2h sáng 8/4, giúp máu lưu thông tốt hơn, quá trình can thiệp ECMO hiệu quả hơn. Bé cũng được truyền máu, chế phẩm máu.
Những ngày tiếp theo, các y bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại lồng ngực, tim mạch... thay nhau túc trực ngày đêm, hội chẩn tham vấn liên tục qua các ứng dụng trực tuyến, theo dõi sát từng biến chuyển ca bệnh phức tạp.
Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, cho biết bé được cai máy ECMO ổn định, sáng 12/4. Trái tim bệnh nhi tự đập trở lại sau khi rút khỏi cỗ máy cồng kềnh. Chức năng cơ quan thận, gan, phổi... cải thiện dần.
Trong ba năm, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật ECMO trên 24 bệnh nhi nguy kịch, cứu sống ngoạn mục 17 bé. Đây là hệ thống thiết bị hỗ trợ sự sống, bằng phương pháp "oxy hóa qua màng ngoài cơ thể", sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi.
Theo bác sĩ Vũ, viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là enterovirus, kế đến là echovirus, adenovirus, herpes simplex, quai bị, sởi, rubella... Khi vào cơ thể, siêu vi làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi. Bệnh khó phát hiện khi các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp.
Trẻ lớn thường có triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như ói, tiêu chảy... Trẻ nhỏ có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc... Đặc biệt nếu thấy trẻ có các biểu hiện như tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị... Trẻ ở tuổi đi học, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi. Trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh thường nặng do đề kháng còn yếu. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp.