- Là giảng viên của một trường đại học tại Anh, bà nhận xét gì về 3 phương án thi quốc gia chung mà Bộ GD&ĐT Việt Nam đưa ra?
- Việt Nam là một trong những nước có nền giáo dục chú trọng nhiều vào thi cử, tạo sức ép lớn với học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Cả ba phương án kỳ thi quốc gia chưa giải quyết được vấn đề giảm tải việc thi cử cũng như tạo cơ hội cho học sinh tập trung vào những môn học mà các em có khả năng hoặc có ích cho cuộc sống sau này.
Trong cả ba phương án, học sinh phải làm bài thi cho 11-12 môn học, như vậy là quá nhiều, gây tâm lý căng thẳng, chất lượng bài thi sẽ không cao. Thi nhiều môn cũng dẫn đến việc học sinh cố gắng học tủ, hoặc tìm cách quay cóp khi không học được, giáo viên trông thi dễ dàng hơn để cho học sinh có thể đạt đủ điểm tốt nghiệp.
![]() |
Chị Đỗ Huyền Trâm, 38 tuổi, hiện là Điều phối viên chương trình dự bị đại học, có 6 năm làm giáo viên tiếng Anh tại University of East Anglia Norwich - đối tác giáo dục toàn cầu của một số trường đại học lớn ở Anh và Bắc Mỹ. Ảnh: NVCC. |
Phương án một gần như giống mô hình mà chúng ta vẫn làm từ trước đến nay, học sinh dù thi khối gì vẫn phải làm bài 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Điều này chỉ thuận lợi cho thí sinh thi khối D. Môn Văn và Ngoại ngữ dường như không có tác dụng với thí sinh học ngành khoa học tự nhiên hay kỹ thuật. Ngược lại môn Toán không nhất thiết quan trọng đối với những thí sinh học ngành khoa học xã hội hoặc nhân văn.
Phương án 2, 3 gộp các môn thi với nhau nhưng thí sinh vẫn phải thi Toán, Văn, Ngoại Ngữ và tính phức tạp trong việc ra đề thi, chấm thi khiến học sinh có thể không hiểu rõ đề, từ đó dẫn đến kết quả thấp.
- Theo chị, những phương án Bộ GD&ĐT Việt Nam đưa ra đáp ứng thế nào với xu thế phát triển của giáo dục thế giới?
- Mỗi quốc gia có đặc thù giáo dục riêng, đặc biệt ở cấp đại học. Giáo dục phổ thông thường nhằm đào tạo sao cho học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học cao hơn nếu có khả năng cũng như năng lực tài chính. Tuy nhiên, việc yêu cầu học sinh phải thi bắt buộc những môn mà họ không có khả năng, không phù hợp với ngành nghề sẽ được đào tạo trong tương lai và không có niềm say mê là điều nên tránh.
- Tại Anh, mô hình học và thi từ phổ thông lên ĐH như thế nào?
- Để chuẩn bị vào đại học, học sinh Anh cần học 2 năm A levels (dự bị đại học). Trong đó, các em chỉ phải chọn 3-5 môn mà mình yêu thích, có khả năng và từ đó định hướng chọn trường đại học sau khi tốt nghiệp.
Học sinh sẽ gửi đơn đến các trường có đạo tạo các môn mà họ muốn học. Các trường đại học dựa vào kết quả thi của những môn này để xét xem có chấp nhận học sinh vào trường mình học. Mỗi em có thể chọn 5 trường xếp theo nguyện vọng từ 1-5, thường kết quả thi tốt sẽ vào được nguyện vọng 1 và ngược lại.
Tuy nhiên, trước khi học A levels, học sinh phải học để lấy chứng chỉ GCSE (giống như chứng chỉ tốt nghiệp THPT của Việt Nam) và họ cũng phải học đến 11-12 môn. Mô hình này cho thấy, người Anh không chú trọng vào việc học ít môn mà tập trung vào những môn cần thiết, ở thời điểm thích hợp để tạo nền tảng cho học đại học.
Một điều tôi thấy là ở Anh ai có bằng A level về môn học nào đó thì kiến thức môn học ấy của họ rất sâu, vững chắc. Điều này không giống nhiều học sinh Việt Nam tốt nghiệp trung học rồi nhưng kiến thức chung rất thấp, một vài năm sau kiến thức Toán, Văn hình như không còn nữa.
- Bộ GD&ĐT Việt Nam dự kiến thay đổi phương thức là thi xong, biết kết quả mới đăng ký trường dự tuyển. Chị có ý kiến gì về phương án đổi mới này?
- Việc thi trước chọn trường sau cần xem xét kỹ. Nếu nói thi trước, biết kết quả rồi mới chọn trường là để tránh thất vọng cho học sinh thì chưa chính xác bởi mỗi em sẽ tự biết khả năng học tập của mình để chọn trường cho phù hợp. Ngoài ra nhà trường, giáo viên, gia đình cũng giúp định hướng nghề nghiệp sao cho phù hợp với năng lực học tập của con em mình. Ở lứa tuổi 17-18 các em có thể chưa biết rõ mình thích nghề gì, phụ huynh lại thường mong (và bắt) con chọn nghề mà mình thích hoặc chọn trường có khả năng xin việc cao, kiếm được nhiều tiền sau khi tốt nghiệp. Phần lớn học sinh học vì bố mẹ bắt chứ không phải học vì do đam mê môn học của bản thân.
Tôi thiết nghĩ, nếu các em chọn trường trước, biết được yêu cầu của trường, chỉ tiêu đào tạo và khả năng của bản thân rồi từ đó nỗ lực để đạt được nguyện vọng là điều nên được khuyến khích. Việc chọn trường trước khi thi không nhất thiết phải tránh.
- Vậy theo chị, giáo dục Việt Nam nên thay đổi thế nào để phát triển?
- Tôi nghĩ cải cách thi cử là một công việc lớn, vô cùng phức tạp, yêu cầu tri thức của các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục. Mỗi quốc gia trên thế giới có một hệ thống giáo dục riêng không ai giống ai, chúng ta cần học tập và giảm tải việc thi cử để tránh căng thẳng, tiêu cực.
Việc kết hợp kỳ thi tốt nghiệp trung học và thi đại học làm một kỳ thi chung là cần thiết. Tuy nhiên nên chăng mỗi học sinh chỉ phải thi ba môn bắt buộc của trường đại học đã chọn, cộng với một hoặc hai môn học khác nữa, như thế các em có thể tập trung học và kiến thức sẽ vững vàng hơn để phục vụ việc học đại học sau này. Đây không phải là một đề xuất mới vì việc này từ trước đến nay các trường phổ thông dân lập ở Việt Nam vẫn làm, họ chỉ chú trọng vào các môn thi đại học, còn các môn học khác chỉ học qua rất ít. Bản thân tôi đã học ở một trường dân lập như vậy và toàn bộ bạn đồng khóa của tôi hiện tại đều rất thành đạt. Họ không học giỏi cả ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, nhưng đã thi đỗ đại học và sau này nhiều người học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra được quyết định sáng suốt giúp việc thi cử không còn là gánh nặng của mỗi học sinh.
Quỳnh Trang