Một nghiên cứu của tiến sĩ Isabel Thielmann (Đức) và các cộng sự mới công bố tháng 5/2025 trên tạp chí chuyên ngành tâm lý học xã hội Journal of Personality and Social Psychology ghi nhận kết quả, người gian dối ở một việc này có 44% khả năng tiếp tục gian dối ở các hành động sau đó.
Ngược lại, người trung thực ban đầu chỉ có 6% khả năng xuất hiện hành vi gian lận. Đặc biệt, chỉ số "yếu tố đen tối" trong tính cách có liên hệ rõ rệt với sự lặp lại hành vi gian lận. Người có chỉ số này càng cao càng có xu hướng gian lận qua nhiều nhiệm vụ.
Nghiên cứu này kết luận, người từng gian lận có khả năng cao sẽ tiếp tục gian lận. Đây không phải hành vi ngẫu nhiên mà là dấu hiệu của một đặc điểm tính cách ổn định. Khi gian lận trong các hành vi vật chất, họ cũng gian lận trong tình cảm.

Một số nghiên cứu cho thấy người đã ngoại tình vẫn có thể ngoại tình. Ảnh: Adajennifer
Một nghiên cứu năm 2018 cũng cho thấy người từng phản bội có nguy cơ tái phạm cao gấp ba lần người chưa từng. Các nhà khoa học tin điều này không chỉ do hoàn cảnh, mà bắt nguồn từ gene.
Cụ thể, biến thể "gene ưa cảm giác mạnh" - liên quan đến độ nhạy với dopamine, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác khoái lạc và động lực. Người mang gene này ít cảm nhận được sự hài lòng từ trải nghiệm thông thường, nên có xu hướng tìm kiếm kích thích mạnh như rượu, cờ bạc hay ngoại tình.
Khi đối mặt với lựa chọn trung thực hay gian dối, não bộ những người hay nói dối phản ứng khác biệt: Các vùng liên quan đến tự phản tỉnh (self-reflection) hoạt động yếu hơn. Điều này khiến họ ít suy xét về hậu quả đạo đức và tác động tới người khác.
Tuy nhiên, giới khoa học nhấn mạnh gene không quyết định tất cả. Nhiều người mang biến thể gene ưa mạo hiểm vẫn sống chung thủy, trong khi nhiều người không có gene này lại là kẻ phản bội.
Theo nhà trị liệu Renee Zavislak, những kẻ phản bội hàng loạt thường có đặc điểm thiếu đồng cảm, tự cao, thích thao túng vì lợi ích cá nhân. Những đặc điểm này thường hình thành từ kết hợp giữa yếu tố sinh học và sang chấn thời thơ ấu như bị từ chối hoặc bỏ rơi.
Tiến sĩ Cammy Froude cho rằng người ái kỷ có thể xem việc phản bội như quyền được làm, và không cảm thấy tội lỗi vì không đặt mình vào cảm xúc của người khác. Họ tin các quy tắc không áp dụng cho bản thân.
Tuy nhiên, tiến sĩ Kayla Knopp, nhà tâm lý học chuyên về quan hệ ở Mỹ cảnh báo không nên vội vã kết luận. Theo bà, ngoại tình không phải là bản chất cố định, mà là hành vi chịu ảnh hưởng bởi xã hội, đặc biệt là chuẩn mực đơn hôn.
"Với một số người, phản bội không xuất phát từ sự sai trái cố hữu, mà từ sự không phù hợp giữa kỳ vọng và tính cách cá nhân. Nếu được sống trong mô hình quan hệ phù hợp hơn, họ có thể trung thực và hạnh phúc hơn", bà nói.
Bảo Nhiên (Theo Psychology Today/ Dailymail)