Sau ly dị, tôi mua một căn nhà song để tránh tranh chấp tài sản với chồng cũ, theo lời anh bạn đồng nghiệp, tôi đã viết giấy nhận nợ khống với anh này.
Tôi không ngờ anh ta đã uy hiếp tinh thần tôi bằng những tin nhắn và lấy giấy nợ đó ra để đòi tiền. Anh ta còn dọa báo với cơ quan tôi đang làm và với gia đình người đàn ông tôi sắp cưới.
Sau đó, anh ta lại doạ kiện ra toà. Tôi phải làm gì bây giờ?
Luật sư trả lời
Theo điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013 ngày 13/11/2013, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền 10.000.000-20.000.000 đồng.
Như vậy, khi bị nhắn tin dọa dẫm uy hiếp ảnh hưởng đến tinh thần, trước tiên bạn nên lưu tin nhắn để làm bằng chứng. Tiếp đó, bạn nên báo cáo tới doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở thông tin và truyền thông địa phương để xác minh và yêu cầu giải quyết.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc quấy rối qua điện thoại của bạn, doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối. Nếu chủ thuê bao quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, nếu người này vẫn tiếp tục việc nói xấu, đe dọa bạn, làm mất uy tín, xúc phạm đến danh dự thì bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi quấy rối, nói xấu, khủng bố tinh thần của người đó đến cơ quan công an để đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp bạn khởi kiện ra tòa án hoặc bị người đàn ông này khởi kiện tại Tòa án thì bạn cần chứng minh về số tiền mua nhà do bạn vay gia đình: có hợp đồng giấy tờ gì không, có ai làm chứng không, các giấy tờ hay giao dịch về việc chuyển tiền...
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội