Chốt phiên giao dịch 23/7, giá vàng thế giới giao ngay mất gần 45 USD xuống 3.385 USD một ounce. Đầu phiên, giá có thời điểm lên cao nhất kể từ ngày 16/6.
Thị trường đi xuống sau khi Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến gần thỏa thuận thương mại, với mức thuế được giảm còn 15%. Trước đó một ngày, Mỹ công bố thỏa thuận với Nhật Bản, giảm thuế đối ứng và thuế nhập khẩu xe hơi xuống 15%. Các thông tin này khiến nhu cầu trú ẩn giảm mạnh.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm phiên 23/7, sau hai phiên tăng mạnh. Đồ thị: Kitco
"Mỹ đã đạt thỏa thuận với Nhật Bản và hướng tới kết quả tương tự với EU. Điều này cũng đồng nghĩa châu Âu sẽ không trả đũa. Nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro, như chứng khoán, vì thế tăng lên", Bart Melek - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities giải thích.
Giá vàng có xu hướng tăng cao trong thời kỳ bất ổn và môi trường lãi suất thấp. Thị trường hiện không kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 7, Tuy nhiên, khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế học cho thấy sự độc lập của Fed vẫn đang bị đe dọa khi áp lực từ Nhà Trắng liên tục tăng cao.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng mất giá phiên 23/7. Bạc giảm 0,1% còn 39,2 USD một ounce, sau khi lên sát mốc cao nhất 14 năm đầu phiên.
Bạch kim giảm 2,1% về 1.411 USD. Palladium cũng mất 0,2%, đóng cửa tại 1.271 USD.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số tiếp tục tăng điểm. Chốt phiên 23/7, DJIA tăng hơn 1%. S&P 500 tăng 0,7% - lập kỷ lục mới lần thứ 12 trong năm nay. Nasdaq Composite tăng 0,6%, lần đầu đóng cửa trên 21.000 điểm.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)