Chốt phiên giao dịch 21/7, giá vàng thế giới giao ngay tăng 48 USD lên 3.395 USD một ounce. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 17/6. Sang phiên sáng 22/7, giá hiện còn 3.390 USD.
Thị trường đi lên phiên đầu tuần do cả đôla Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giảm, khi hạn chót 1/8 đang đến gần. Các nước sẽ phải đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước ngày này, để không phải trả mức thuế nhập khẩu cao hơn.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên 21/7. Đồ thị: Kitco
Dollar Index hôm 21/7 giảm 0,6%, khiến vàng rẻ hơn với người mua bằng các tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng xuống thấp nhất hơn một tuần.
"Khi hạn chót 1/8 đang đến gần, thị trường càng bất ổn. Đó là yếu tố hỗ trợ giá vàng", David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures cho biết.
Quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết trên Reuters rằng khối này đang chuẩn bị các phương án đáp trả, khi khả năng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ ngày càng xa vời. Bên cạnh đó, tin đồn về lãi suất tại Mỹ có thể được hạ sớm hơn dự kiến, khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell bị thay thế và Fed phải tái cấu trúc cũng khiến thị trường lo ngại, Meger nói.
Nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng Fed giảm lãi tháng 9 là 59%. Vàng được coi là công cụ phòng trừ an toàn trong thời kỳ bất ổn, và có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất thấp.
Trên thị trường vật chất, số liệu cho thấy Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới - đã mua 63 tấn kim loại quý tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1. Nhập khẩu bạch kim của nước này cũng giảm 6,1% so với tháng trước đó.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác hôm 21/7 cũng tăng giá. Bạc tăng 2,1% lên 38,9 USD một ounce. Bạch kim tăng 1,4% và palladium tăng 2,1%.
Hà Thu (theo Reuters)