Cuối tháng 4, nghệ sĩ Thanh Sơn - hậu duệ thứ ba của gia tộc Minh Tơ - cặm cụi dựng bài cho học trò thi Sao nối ngôi trong một tiết mục tuồng sử. Trên trường quay, cái nóng của trời Sài Gòn đầu hạ làm áo ông ướt đầm mồ hôi. Ở tuổi 59, em trai Thanh Tòng bị huyết áp cao, đau khớp gối - căn bệnh nhiều diễn viên tuồng mắc phải vì chạy nhảy, đánh đấm nhiều. Thanh Sơn nén đau dạy học vì với ông, tuồng cổ không chỉ là nghề, mà đã thành cái nghiệp được truyền lại từ 100 năm trước, là niềm vinh hạnh "sáu đời ăn cơm Tổ" của gia tộc Minh Tơ.
Trong lịch sử phát triển hơn 100 năm của sân khấu Nam bộ, gia tộc bầu Thắng - Minh Tơ ghi dấu như một dòng họ góp công truyền lửa cho bộ môn cải lương - tuồng cổ.
Những năm đầu thế kỷ 20, gánh hát được manh nha hình thành từ đam mê ca diễn của chàng trai Nguyễn Văn Thắng (tức bầu Thắng, sinh năm 1895). Được truyền nghề từ gia đình, năm 14 tuổi, bầu Thắng đã tỏa sáng với vai kép con trong các vở hát bội của gánh hát Vĩnh Xuân (ghép từ tên cha - bầu Vĩnh và mẹ - đào Xuân). 20 tuổi, ông thành một kép lừng lẫy khắp lục tỉnh qua những vở tuồng Trung Quốc, như Tam quốc chí, Ngũ hổ Bình Tây....
Bước ngoặt đến với bầu Thắng khi bà Ba Ngoạn - bà nội của nghệ sĩ Kim Cương, vốn nức tiếng trong giới hát bội - muốn sang lại gánh hát. Suy đi tính lại, ông nhận ra chỉ có thành lập gánh hát mới lưu truyền đam mê cho con cháu. Ông bàn với vợ bán hết nữ trang, vàng bạc để dành sau lễ cưới, mua trả góp gánh hát. Năm 1925, ông lập nên gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban, hoạt động tại đình Cầu Quan trên đường Yersin, quận 1, TP HCM ngày nay. Từ đây, ông viết nên huyền thoại của một gia tộc "đời nối đời, nghề truyền nghề".
Theo sách Sân khấu cải lương TP HCM (Nguyễn Thị Minh Ngọc và Đỗ Hương biên soạn, xuất bản năm 2007), khi xâm chiếm sáu tỉnh, thực dân Pháp bãi bỏ thi cử chữ Hán, chữ Nôm, mà hát bội lại dùng nhiều chữ Nho, điển tích Trung Hoa. Từ đó, khán giả dần thờ ơ với hát bội, đổ xô đi xem cải lương vì cảnh trí đẹp, có nhiều tuồng tích hay. Nhiều gánh hát dần lao đao, đứng trước bờ vực giải thể. Thập niên 1930, cải lương bắt đầu nở rộ rồi phát triển như vũ bão. Những đoàn đầu tiên ra mắt như Nam Đồng bang, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhựt, Nghĩa Hiệp bang..., nhanh chóng được yêu thích ở thành thị.
Không chịu bó buộc trước thời thế, gia tộc bầu Thắng quyết tâm cải cách. Khác nhiều đoàn hát chỉ chạy theo thương mại, pha tạp giữa hai bộ môn để chiều lòng khán giả, các hậu duệ của bầu Thắng chọn cách nghiên cứu bài bản, làm giàu thêm cho kỹ thuật ca diễn. Sau khi cha qua đời, nghệ sĩ Minh Tơ cùng vợ - nghệ sĩ Bảy Sự - và hai em Khánh Hồng, Đức Phú sang đoàn cải lương Phụng Hảo của Phùng Há học hát. Nghệ thuật hát bội pha cải lương ra đời, gánh bầu Thắng dần được biết đến với tên đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ.
Hiếm có một dòng tộc nào sáu đời nối nghiệp nghề hát, mà mỗi chi tộc đều có người tài giỏi, giữ vai trò thống lĩnh một bộ môn, theo đạo diễn Thanh Hiệp - từng nhiều lần làm việc với các thành viên gia tộc Minh Tơ. Vợ chồng nghệ sĩ Minh Tơ có chín người con đều làm nghệ thuật, như Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan, Minh Tâm... Mỗi thành viên trong từng chi tộc lại huấn luyện các con nối nghiệp, như: Xuân Trúc, Trinh Trinh (con của nghệ sĩ Xuân Yến); Quế Trân (con của Thanh Tòng); Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo (con của nghệ sĩ Thanh Loan, Trường Sơn)..., cùng các chàng rể là kép chánh lừng lẫy như Kim Tử Long (chồng Trinh Trinh), Điền Trung (chồng Thanh Thảo)... Chi tộc của nghệ sĩ Huỳnh Mai (con gái út của bầu Thắng) và chồng - cố NSND Thành Tôn - sinh sáu người con, đều là tên tuổi thế hệ vàng của sân khấu miền Nam sau năm 1975, như Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Long, Thành Lộc...
Thời điểm các gánh cải lương cạnh tranh gay gắt, Minh Tơ vẫn duy trì sức hút nhờ khả năng sáng tạo, cập nhật xu thế nghệ thuật biểu diễn. Họ đổi mới cách trình diễn, điệu bộ, cách ca, dàn cảnh... Các bài nhạc cũng lược bỏ chữ Nho, thay bằng lối văn phổ biến trên tạp chí lúc bấy giờ. Giữa thập niên 1960, tuồng cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài - nghệ sĩ Đức Phú viết dựa trên bộ phim Đài Loan cùng tên phát trên truyền hình lúc đó, gây sốt ở đoàn Minh Tơ. Vở tuồng được sáng tác với chất liệu dựa trên các điệu lý, bản bolero thịnh hành. Qua diễn xuất của cố nghệ sĩ Thanh Nga - vai Chúc Anh Đài và Đức Phú - vai Lương Sơn Bá, tác phẩm trở thành vở đắt khách bậc nhất lúc bấy giờ. Nghệ sĩ Công Minh (em ruột Thanh Tòng) cho biết khi trình diễn ở rạp Hào Huê (nay là rạp Nhân dân, quận 5), vở thu hút đông đảo khán giả, phần lớn là người gốc Hoa. Mỗi suất diễn xong, những tràng vỗ tay liên tiếp không dứt. Tác phẩm trở thành vở tuồng Hồ Quảng kinh điển, tiếp tục gây tiếng vang với thế hệ tiếp nối như Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm...
Theo nghệ sĩ Bạch Tuyết, dấu ấn rực rỡ nhất của gánh Minh Tơ là chuyển đổi từ cải lương Hồ Quảng sang cải lương tuồng sử Việt thập niên 1970. Các nghệ sĩ đau đáu nghĩ cách khai thác tích sử nước nhà dựa trên chất liệu âm nhạc Việt Nam. Với tài vũ đạo cùng khả năng diễn xuất - vốn là thế mạnh của các nghệ sĩ trong đoàn, nhạc sĩ Đắc Nhẫn, Đức Phú chọn lọn các điệu lý để dần xóa bỏ những yếu tố của Hồ Quảng. Năm 1976, gánh Minh Tơ đổi bảng hiệu từ Đoàn cải lương Hồ Quảng sang Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Từ đây, loạt tuồng sử Việt kinh điển ra đời, Dưới cờ Tây Sơn, Dựng cờ cứu nước, Câu thơ yên ngựa..., tạo nên những mốc son mới cho sân khấu.
Đại diện tiêu biểu nhất của đoàn Minh Tơ thời kỳ này là nghệ sĩ Thanh Tòng - vốn mệnh danh "thống soái" của cải lương tuồng cổ. Hun đúc tài năng từ đoàn đồng ấu do cha lập ra, từ nhỏ, Thanh Tòng được báo giới đương thời xem là thần đồng sân khấu miền Nam. Lớn lên, ông thành người dẫn dắt đoàn hát của gia tộc.
Biệt tài của Thanh Tòng khi đổi mới tuồng cổ là nét phối hợp nhịp nhàng giữa ca diễn với âm nhạc, mạnh dạn đưa phần vũ đạo của hát bội vào tuồng sử. Khán giả thập niên 1980 còn nhớ mãi màn múa roi ngựa của nghệ sĩ Bạch Lê trong màn ra trận của lớp Bùi Thị Xuân xuất trận, hay bản Lý cây bông được hòa âm làm nhạc nền cho Thanh Tòng biểu diễn cho lớp Lý Đạo Thành dâng mão. Nhiều nét diễn của Thanh Tòng được các nghệ sĩ thế hệ sau xem là khuôn mẫu kinh điển để học tập, tiếp nối.
Thập niên 1990, nghệ sĩ Bạch Long - hậu duệ thứ tư của gia tộc - tiếp tục thành lập đoàn đồng ấu, lấy tên anh. Những vở tuồng thiếu nhi do Bạch Long dàn dựng, như Cóc kiện trời, Con ngựa và củ cải khổng lồ, Cầu vồng và đàn thỏ... một thời đi sâu vào lòng khán giả nhí đương thời. Những nghệ sĩ trưởng thành từ nhóm đồng ấu, như Quế Trân, Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Trinh Trinh... sau này trở thành đội ngũ nòng cốt của cải lương tuồng cổ thế hệ mới. Dòng hậu duệ thứ sáu đang chập chững viết tiếp trang sử của dòng tộc, trong đó có diễn viên nhí Kim Thư, sinh năm 2011 - vừa góp mặt ở phim Trạng Tí của Ngô Thanh Vân.
Trải qua 100 năm, điều khiến gia tộc Minh Tơ truyền đời, nối nghề thành công là tinh thần kỷ luật, thấu hiểu đạo lý làm nghề. Nghệ sĩ Xuân Yến (chị ruột Thanh Tòng) - 74 tuổi, là người dẫn dắt đoàn Minh Tơ hiện nay. Bà nói các thế hệ con cháu luôn giữ vững lời dạy của ông cha: Không kiêu căng, ngạo mạn dù đang ở đỉnh cao trong nghề. Bà từng dặn các thành viên trẻ tuổi trong nhà: "Diễn trước công chúng luôn là vinh hạnh của nghệ sĩ, đừng bao giờ tự kiêu, đúng giá cát-xê mới diễn, không thì thôi".
Nghệ sĩ Trinh Trinh nhớ như in không khí tập tuồng cùng gia đình khi chị còn nhỏ. Đến buổi tập, cả đoàn phải có mặt, những ai không có vai thì ngồi dưới quan sát để học nghề. Do đó, một người có thể thuộc tuồng của nhiều vai khác, để khi gặp sự cố, đoàn không quá khó khăn tìm người thế vai. Các thành viên được dạy không nề hà vai chính - phụ, bởi có những nhân vật xuất hiện thoáng qua cũng làm nên điểm nhấn cho tác phẩm. Minh Tơ là đoàn hiếm hoi gần như không có đào, kép chánh, bởi diễn viên sẽ được thay thế ở mỗi vở tùy khả năng hợp vai từng người.
Để giữ "lửa" tuồng cổ, đoàn Minh Tơ nhận ra cần phải truyền dạy cho thế hệ sau, không chỉ với các thành viên trong gia tộc. Nghệ sĩ Thanh Sơn hiện giảng dạy ở Nhà văn hóa Sinh viên, hàng ngày hướng dẫn học trò vẽ mặt hát bội, múa roi ngựa, cách hát cải lương tuồng sử... Ông gom nhiều tuồng tích từ thời chú - nghệ sĩ Khánh Hồng - đến thời anh trai Thanh Tòng, biên tập lại rồi dựng mới hơn để thu hút giới trẻ. Dù vậy, ông thừa nhận sân khấu tuồng cổ đang ngày một rất khó khăn vì thiếu nhân lực, kịch bản.
"Lớp nghệ sĩ kế cận chưa đủ lực để kế thừa tiền bối. Nhiều em không được đào tạo bài bản, chỉ học lỏm người đi trước, coi trên mạng rồi hát theo. Các tài năng sân khấu xưa đã rụng dần. Những bậc cổ thụ tuồng cổ đâu còn được mấy người. Đa phần họ giải nghệ, lâu lâu đi hát cho vui hoặc định cư ở nước ngoài", ông trầm ngâm.
Mai Nhật