Thứ năm, 13/2/2025
Thứ tư, 22/7/2020, 19:00 (GMT+7)

Geisha Nhật vật lộn tồn tại qua Covid-19

Vừa phải kiếm sống vừa phải đảm bảo quy tắc hạn chế Covid-19, các geisha ở Tokyo đang nỗ lực bảo tồn nghề nghiệp.

Koiku đeo khẩu trang, chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Ikuko được coi là "đàn chị" tại khu vực các geisha sinh sống và biểu diễn ở Akasaka, Tokyo. Bà đến thủ đô tìm vận may năm 1964, năm đầu tiên Tokyo đăng cai Thế vận hội. Nhưng Covid-19 khiến bà lo sợ cho nghề nghiệp có lịch sử hàng thế kỷ của mình hơn bao giờ hết.

Những bức ảnh thời xưa của Ikuko khi bà mới chuyển đến Tokyo năm 1964.

Số lượng geisha, những cô gái nổi tiếng với tài trò chuyện dí dỏm, vẻ đẹp và kỹ năng biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đang giảm sau nhiều năm. Ikuko và đồng nghiệp đã nhiều tháng không làm việc do Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp và bây giờ, tuy đã quay lại công việc, nhưng họ vẫn phải đảm bảo các quy tắc giãn cách xã hội khó thực hiện.

Ikuko chải bộ tóc giả trước khi chuẩn bị làm việc tại một bữa tiệc do khách hàng tổ chức ở một nhà hàng sang trọng.

"Khi tôi mới đến Akasaka, có hơn 400 geisha hoạt động, nhiều tới nỗi tôi không nhớ nổi tên. Nhưng thời gian đã thay đổi mọi thứ", Ikuko, năm nay 80 tuổi, nói. Chỉ còn 20 người hành nghề và thậm chí bây giờ còn không có người muốn ghi danh học việc.

Koiku và Mayu bước vào Asada, một nhà hàng Nhật Bản hạng sang, nơi khách hàng đang tổ chức tiệc.

Quy định hạn chế Covid-19 khiến người ta thắt chặt chi tiêu, nhiều người lo lắng không muốn dành hàng giờ trong các phòng giải trí thanh lịch nhưng khép kín, nơi các geisha biểu diễn.

Ikuko đã sẵn sàng rời nhà tới biểu diễn ở bữa tiệc.

Số cuộc biểu diễn giảm 95% và đi kèm quy định mới: không rót đồ uống cho khách hay không chạm vào người họ, thậm chí không bắt tay, ngồi cách xa hai mét. Với mái tóc giả lớn phức tạp đội trên đầu, các geisha phần lớn không đeo khẩu trang vì khó đeo.

Kanda và Yurie Hatanaka, một thợ làm tóc, đeo khẩu trang và tấm che mặt khi trang điểm cho Hanasaki.

"Khi ngồi gần, ta mới có thể trò chuyện bằng cái tâm, bằng cảm hứng", Ikuko nói. Bà đang mặc bộ kimono bằng lụa đen có hoa văn. "Khi ngồi cách xa hai mét, chẳng thể nào trò chuyện".

Koiku sơn gáy và lưng của Mayu tại nhà Ikuko, chuẩn bị cho một buổi biểu diễn.

Geisha không phải những nghệ sĩ duy nhất khó khăn vì Covid-19. Những người biểu diễn "jiutamai", một điệu nhảy của phụ nữ cổ đại, cũng như các nghệ sĩ trang điểm, nhà tạo mẫu tóc giả và thợ may kimono, thừa nhận lo lắng Covid-19 sẽ làm xáo trộn nghề nghiệp của họ.

Nhân viên bảo vệ nhà hàng đeo khẩu trang khi đứng trên phố cùng Ikuko, lúc đợi một geisha khác tới bên ngoài nhà hàng Asada.

"Các buổi trang điểm của tôi cứ bị hủy suốt", Mitsunaga Kanda, người đã dành hàng thập kỷ trang điểm tỷ mỉ cho geisha và vũ công, nói.

"Chúng tôi chạm vào da, vào mặt họ, tuy không nói chuyện nhưng chúng tôi rất thân thiết, thứ mà chúng tôi bây giờ mới nhận ra", Kanda nói thêm, đeo khẩu trang và bắt đầu hóa trang cho vũ công Tokijyo Hanasaki.

Từ trái qua phải: Mayu, Maki và Koiku luyện múa trong lớp dành cho geisha.

Dù cố đô Kyoto mới là nơi nổi tiếng nhất về geisha, nhưng nghề này ở Tokyo cũng rất phát triển, với 6 quận có geisha sinh sống và biểu diễn. 30 năm trước, quận Akasaka có tới 120 geisha. Bây giờ, cả Tokyo chỉ có 230 người.

Học nghề và mua trang phục kimono luôn rất tốn kém, mà thù lao lại phụ thuộc vào độ nổi tiếng. Những kỹ năng như trò chuyện dí dỏm khiến những geisha lớn tuổi như Ikuko nổi tiếng, chỉ có thể đạt được qua thời gian.

Từ trái qua phải: Maki, Mayu, Koiku và Ikuko đeo khẩu trang khi đi tới một nhà hàng sau lớp luyện múa.

"Thu nhập của chúng tôi hạ xuống bằng 0", Ikuko nói. "Tôi còn một chút dành dụm, nhưng những người trẻ hơn rất khó khăn. Hiệp hội geisha giúp họ tiền thuê nhà".

Mọi geisha đều là người làm nghề tự do, có thể xin trợ cấp chính phủ một triệu yen và Ikuko tin rằng đa số đều đã xin trợ cấp.

Mayu và Ikuko đã trang điểm và mặc xong trang phục tại nhà Ikuko, chuẩn bị tới một bữa tiệc.

"Tôi cực kỳ lo lắng", Mayu, một geisha 47 tuổi, nói. "Tôi chỉ biết ngắm ảnh, ngắm kimon của mình. Nghĩ suy về làn sóng thứ hai thật đáng sợ".

Koiki, Maki và Ikuko lên taxi tới biểu diễn ở một bữa tiệc.

Koiki, Maki, Ikuko và Mayu biểu diễn một điệu nhảy.

Tuy nhiên, mọi người đều nỗ lực để bảo tồn nghề nghiệp.

"Chúng tôi sắp xếp biểu diễn trong căn phòng lớn nhất có thể", Shota Asada, chủ một nhà hàng sang trọng, nơi cung cấp các tiết mục giải trí của geisha, nói. "Chúng tôi làm bất kỳ điều gì để gìn giữ văn hóa này".

Ảnh: Reuters