Báo cáo điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy, gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn và kết quả cho thấy, ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Gần 63% bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế, cũng như kiểm soát hành vi.
Trong đó, 26% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác do chồng gây ra trong đời, 5% trong 12 tháng qua; 13% từng bị bạo lực tình dục trong đời và 6% trong 12 tháng qua; 47% từng bị bạo lực tinh thần. Hệ quả, phụ nữ bị chồng hoặc hoặc bạn tình bạo lực thể xác, tình dục có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp 3 lần, thu nhập hàng năm của họ cũng thấp hơn đến 31% so với những phụ nữ không chịu bạo lực. Các con số được đề cập trong tọa đàm trực tuyến về bạo lực diễn ra trên fanpage VnExpress ngày 30/11.
![Các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề bạo lực giới ngày 30/11.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/11/30/z2203307191704-f90fbd8937de788-6857-3250-1606710863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y6mn1tidYPOvrTMH8pXnaQ)
Các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề bạo lực giới ngày 30/11.
Bạo lực giới tăng khi cách ly xã hội vì Covid-19
Tại tọa đàm trực tuyến, bà Naomi - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thông tin, khi đại dịch bùng phát, việc cách ly xã hội khiến các cặp vợ chồng ở nhà cùng nhau nhiều, tình trạng bạo lực gia đình diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ không dám nói, kêu gọi sự hỗ trợ.
Cùng bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho hay, thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người gọi đường dây nóng tư vấn bạo lực gia đình về đêm nhiều hơn. Mọi người gặp khó khăn khi cầu cứu, không thể sang hàng xóm hay chạy về nhà bố mẹ đẻ lúc bị bạo lực. "Chúng tôi gặp các ca đặc biệt nặng, phải trực 24/24 và phải sử dụng kỹ thuật hiện đại để đưa về từng nhà", bà nói.
![Bà Naomi - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/11/30/7ea1fe478560743e2d71-160671020-5166-1382-1606710863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TW4HXV2_9UpctARRkxZbOQ)
Bà Naomi - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Trong đó, không ít phụ nữ nước ngoài lấy chồng ở Việt Nam bị bạo lực do văn hóa khác, hiểu biết về pháp luật kém lại không thể trở về đất nước nên phải cam chịu. Sắp tới, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên sẽ chuẩn bị ra đời hệ thống giúp mọi người có thể chat. Vì giai đoạn bị bạo lực, các chị em rất khó gọi điện cầu cứu bởi dễ phát hiện, phải nhắn tin, dùng các phương tiện khác nhau để liên lạc.
Giải pháp đẩy lùi bạo lực giới
Từ xưa đến nay, ở Việt Nam, chồng, bạn tình là người gây ra bao lực với phụ nữ nhiều nhất. Lý giải thực trạng này, ca sĩ Duy Khoa cho rằng, đàn ông Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng về tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Bố mẹ của anh là một điển hình, thường ưu tiên con trai trong nhà. Theo anh, những chương trình tuyên truyền sẽ giúp phụ nữ nhận biết thế nào là bạo lực, bao gồm hành vi liên quan tới thể chất, tinh thần. Trả lời câu hỏi "Vì sao chồng hoặc bạn tình là thủ phạm gây ra bạo lực với phụ nữ", ông Nguyễn Thanh Tùng - CEO công ty cổ phần Du lịch, truyền thông TT&T cho biết, những suy nghĩ đàn ông là phái mạnh là bảo thủ, cố chấp, không chịu cởi mở dẫn đến xảy ra những hành động đáng tiếc với chị em.
![Ca sĩ Duy Khoa chia sẻ quan điểm về vấn đề vì sao chồng, người tình thường gây ra bạo lực với chị em.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/11/30/z2203335696555-646821d486a46e8-5413-4642-1606710864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oKCan-LMhJha5KG_izPIZw)
Ca sĩ Duy Khoa chia sẻ quan điểm về vấn đề vì sao chồng, người tình thường gây ra bạo lực với chị em.
Các chuyên gia cho rằng, các ban, ngành cần nỗ lực, thực hiện các chính sách phòng chống, nghiên cứu điều tra để tìm ra nguyên nhân, từ đó tìm cách loại trừ bạo lực giới. Bên cạnh đó, cũng cần giúp phụ nữ mạnh dạn kể ra câu chuyện của mình.
Theo bà Vân Anh, CSAGA thực hiện nhiều chương trình chống bạo lực tình dục trong vài năm gần đây. Văn hóa Việt Nam thường hiếm khi nói đến bạo lực tình dục một cách nghiêm túc. Trong khi đàn ông Việt Nam coi vợ, bạn tình là vật sở hữu về tình dục. Nghiên cứu vài năm gần đây cho thấy, chị em đã dám nói nhiều hơn.
Nhiều hiện tượng bạo lực tình dục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần phụ nữ như: Đánh trụy thai, bị cưỡng bức thể xác và tâm lý khi vừa sinh con, bị cả dòng họ ép sinh con, ép sinh con trai hoặc con gái, có người phải bỏ việc vì bị cấp trên lạm dụng tình dục...
![Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) bàn về những giải pháp giúp chị em vươt qua bạo lực giới.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2020/11/30/z2203356155756-fc8418eeefa6234-8095-8655-1606710864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wTITRRRtVr4MlitOrah8sg)
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) bàn về những giải pháp giúp chị em vươt qua bạo lực giới.
Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực quan trọng. Trước tiên, liên quan đến vấn đề giáo dục từ mẫu giáo, nhà trường giáo dục về bình đẳng giới để học cách ứng xử với người khác, tôn trọng bình đẳng giới. Hiện, mô hình "Nhà tạm lánh" - giải pháp ứng phó bạo lực giới ở Việt Nam rất ít so với nước phát triển.
Ngoài ra, chương trình dành cho nam giới về vấn đề này phải thực sự được coi trọng, không kém chương trình cho phụ nữ. Song song, các hình phạt với những người gây ra bạo lực cũng phải thay đổi.
Ngọc Thi
Ảnh: Nhật Lệ
Xem diễn biến chính