![]() |
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (thứ 2 từ trái sang) tiếp các đồng nhiệm. |
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G8 gọi chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và sự lan rộng của vũ khí hủy diệt hàng loạt là "mối nguy cơ thường trực đe dọa an ninh quốc tế". Văn bản khẳng định, cộng đồng thế giới phải sử dụng các biện pháp thanh sát vũ khí, kiểm soát xuất khẩu "và những biện pháp khác, nếu cần thiết" để loại bỏ nguy cơ đến từ thứ vũ khí nguy hiểm này. Tuy nhiên, tuyên bố không nhắc tới đề xuất của Tổng thống Mỹ George Bush là ngăn chặn và tịch thu những chuyến hàng, cả trên biển và trên không, bị tình nghi là vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các bộ phận của tên lửa.
Lãnh đạo G8 đề cập cụ thể tới Iran và CHDCND Triều Tiên, kêu gọi 2 nước này tuân thủ các chuẩn mực an toàn hạt nhân quốc tế. Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi thúc giục CHDCND Triều Tiên hủy bỏ mọi chương trình vũ khí hạt nhân một cách cụ thể, minh bạch và không thể đảo ngược".
Về Iran, tuyên bố chung nhận định, chương trình hạt nhân của nước này có thể dẫn tới việc sản xuất vũ khí.
Một quan chức Anh cao cấp tiết lộ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Matxcơva sẽ "ngừng mọi hoạt động xuất khẩu về hạt nhân" cho Iran tới khi Tehran ký một nghị định thư bổ sung với cơ quan kiểm soát năng lượng hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Trước khi hội nghị G8 diễn ra, Nga đang giúp Iran xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ.
Sáng qua, Iran mời Mỹ tới công trường xây dựng nhà máy hạt nhân, nhằm xoa dịu nghi ngờ của Washington rằng Tehran đang gây dựng cơ sở sản xuất vũ khí nhiệt hạch. Lời mời tương tự do Nga đưa ra hồi tuần trước đã bị Mỹ cự tuyệt.
8 quốc gia giàu có nhất thế giới - Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Nga, Anh và Mỹ - đưa ra một kế hoạch hành động nhằm kiểm soát tên lửa đất đối không vác vai, tránh để lọt vào tay khủng bố.
Các nguyên thủ thảo luận sự rớt giá 12% của đồng USD so với đồng EURO, kể từ đầu năm tới nay. Cả 8 nguyên thủ đã nhất trí rằng sự ổn định về tiền tệ là điều kiện then chốt cho tăng trưởng kinh tế và G8 sẽ kiểm soát chặt chẽ các biến động của thị trường. Đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất về vấn đề tiền tệ được G8 đưa ra kể từ khi các ngân hàng trung ương hợp sức can thiệp vào thị trường hồi tháng 9/2000 để phục hồi đồng EURO. Tuy nhiên, lãnh đạo G8 không đưa ra được tuyên bố chung bằng văn bản.
Các quan chức Mỹ cho biết tổng thống không muốn USD bị suy yếu và sẽ không sử dụng tiền tệ như một vũ khí kinh tế.
Cuộc gặp đầu tiên giữa hai tổng thống Mỹ và Pháp kể từ khi chiến tranh Iraq nổ ra thu hút được sự quan tâm của chính giới quốc tế. Hai vị nguyên thủ quốc gia tỏ ra thoải mái và tuyên bố, họ đã có các cuộc đối thoại tích cực. Tuy nhiên, những phóng viên theo sát diễn biến cuộc gặp nhận xét, không có nhiều hòa khí giữa hai bên. Cả hai không chấp nhận được quan điểm của người đối thoại về trật tự thế giới và Tổng thống Mỹ đã rời hội nghị sớm 1 ngày mà không tổ chức họp báo như thông lệ, để lại cảm giác hụt hẫng trong các đại biểu.
Trong cuộc gặp, ông Chirac xác nhận với ông Bush rằng Pháp sẽ đưa các lực lượng đặc biệt tới tham gia gìn giữ hòa bình tại Afghanistan cùng binh sĩ Mỹ. Hiện nay, quân đội Pháp cũng đã có lực lượng đồn trú tại đây.
Khi hội nghị thượng đỉnh G8 đi dần tới hồi bế mạc trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát, các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra tại các thành phố lân cận của nước láng giềng Thụy Sĩ. Hôm chủ nhật, khoảng 50.000 người tham gia một cuộc tuần hành hòa bình , lên án các quốc gia giàu nhất thế giới đã không làm gì để giúp đỡ các nước nghèo. Bạo lực đã nổ ra tại Geneva khi một số kẻ bịt mặt tham gia bạo động, cướp phá các cửa hiệu và cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông.
Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ kết thúc với việc Tổng thống nước chủ nhà Chirac đọc tuyên bố chung về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới và tuyên bố bế mạc .
Thế Nghĩa (theo BBC, Reuters)