Trí tuệ nhân tạo và Blockchain là hai công nghệ nổi bật trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những ứng dụng của AI là chatbot, cho phép trò chuyện thông minh với người dùng, có thể tự động trả lời câu hỏi hoặc xử lý tình huống. Trong khi đó Blockchain được biết đến là công nghệ quan trọng của tiền điện tử Bitcoin và nó còn rất nhiều tiềm năng để áp dụng vào giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng...
Ngày 5/12, Tập đoàn FPT và Viện Nghiên cứu Daiwa (DIR), thành viên của Daiwa Secrurity, đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược trong việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới. Trọng tâm được hai bên hướng tới là trí tuệ nhân tạo, tự động hoá quy trình dựa trên trí tuệ nhân tạo (RPA), nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu theo thời gian thực và Blockchain.
![fpt-phat-trien-cong-nghe-ai-blockchain-cung-doi-tac-nhat-ban](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/12/05/IMG-1856-JPG-8042-1512474205.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3l4v-h9gdByT1UOahSkb0g)
FPT sẽ cùng DIR nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, Blockchain.
Cụ thể trong mảng AI, FPT và DIR sẽ cùng nghiên cứu và phát triển dịch vụ chatbot cho tập đoàn Nhật Bản. Hạ tầng công nghệ dịch vụ chatbot sẽ do FPT cung cấp, trong khi đó DIR sẽ cử chuyên gia công nghệ sang Việt Nam hỗ trợ phát triển các công cụ và quy trình cho dịch vụ chatbot sử dụng tiếng Nhật. Hiện chatbot của FPT hỗ trợ tiếng Việt và tiếng Anh.
Nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người dùng, FPT và DIR cũng sẽ nghiên cứu phát triển các hệ thống tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ đa giao diện, áp dụng công nghệ tự động hóa quy trình dựa trên trí tuệ nhân tạo (RPA) để tiết kiệm nguồn nhân lực.
Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu và ứng dụng của FPT về công nghệ nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu theo thời gian thực sẽ được áp dụng vào một số lĩnh vực trong ngành tài chính. Từ 2016, tập đoàn Việt Nam đã thành lập đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ cho ôtô và đến 10/2017 thì xe tự hành của FPT đã chính thức lăn bánh thử nghiệm.
"Đây là lần đầu tiên FPT hợp tác với một viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản để cùng phát triển các công nghệ hiện đại", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho biết. "Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tốc độ là nhân tố quyết định sự thành bại. Sự hợp lực giữa FPT và DIR chính là động lực để chúng ta đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ và nhanh chóng đưa các giải pháp, ứng dụng dựa trên những công nghệ mới nhất do hai bên nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu".
"Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại lễ ký kết. "Việt Nam hiện đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di dộng trong sáu nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 52% dân số sử dụng Internet. Tôi cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp CNTT triển khai các chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới vào mọi mặt của đời sống xã hội".
DIR là thành viên của Tập đoàn Chứng khoán Daiwa. Công ty chịu tránh nhiệm nghiên cứu, tư vấn và phát triển các giải pháp công nghệ cho Daiwa Security, công ty chứng khoán lớn thứ hai của Nhật Bản. DIR tập trung nghiên cứu và phát triển các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo như dịch vụ tương tác trả lời tự động, dự báo giá chứng khoán...
Là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT đang cung cấp dịch vụ cho gần 500 khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Hiện FPT có mặt tại 21 quốc gia và quy mô nhân lực khoảng 30.000 người. FPT là công ty CNTT 100% vốn Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản khi chính thức thành lập FPT Japan vào 11/2005.