"Chúng ta phải đề phòng trường hợp Nga ngắt kết nối Estonia, Latvia và Litva khỏi lưới điện của họ", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas phát biểu trên truyền hình tối 22/9.
"Sẽ khôn ngoan hơn khi giới chức, các công ty và cá nhân chuẩn bị cho kịch bản mất điện", bà Kallas bổ sung, mô tả nếu xảy ra thì cũng chỉ là "tạm thời".
Đại sứ quán Nga tại Estonia ngày 23/9 nói "Nga không khởi xướng" việc các quốc gia Baltic rời khỏi lưới điện chung.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas trả lời báo giới tại Brussels, Bỉ, ngày 23/6. Ảnh: Reuters.
Estonia, Latvia và Litva đã tách khỏi Liên Xô hơn 30 năm và gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004 nhưng vẫn phụ thuộc vào Nga nhằm đảm bảo nguồn cung điện ổn định. EU đang chi 1,6 tỷ euro (1,94 tỷ USD) cho một dự án tách các quốc gia Baltic khỏi lưới điện chung với Nga và Belarus vào năm 2025, chuyển sang hệ thống điện phi tập trung của châu Âu.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda hồi tháng 6 cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nếu Nga ngắt kết nối điện với nước này để đáp trả việc Vilnius chặn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đến vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Moskva.
Lưới điện ENTSO-E của châu Âu sẽ kết nối với lưới điện các quốc gia Baltic trong vòng 24 giờ nếu bị Nga ngắt kết nối, giúp tránh tình trạng mất điện, cơ quan quản lý lưới điện Litva Litgrid thông báo trong tháng 7.

Vị trí Nga và các quốc gia Estonia, Latvia và Litva. Đồ họa: Al Jazeera.
Như Tâm (Theo Reuters)