Mấy tuần nay cả ngôi làng ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đều biết Ngọc Tiên, đứa trẻ mồ côi cha vì Covid, được học bổng của trường nội trú Hy Vọng có cơ hội xuống thành phố đi học. Nhưng thiếu niên 17 tuổi này lại sợ, bỏ trốn vì biết chắc chiếc ôtô về đón mình. Phải mất nhiều công một số người hàng xóm mới khuyên nhủ được Tiên về nhà.
Cậu mang vở ra cho cô Minh Châu, cán bộ tuyển sinh của trường Hy Vọng xem. Năm học trước Tiên bỏ thi kỳ hai năm lớp 10, kiến thức cũng mất gốc nhiều. Khi hỏi thích học gì, sau này muốn làm gì, cậu lắc đầu.
"Em không có động lực đi học, không muốn xa mẹ và bản làng", cô Minh Châu chia sẻ.
Cha mất vì Covid-19, mẹ Tiên ngoài làm ruộng, làm rẫy, gần như không có nguồn thu nhập nào. Anh trai cậu học xong lớp 12 cũng không biết làm gì. Dưới Tiên còn một em gái lớp 9, cũng không muốn đi học xa nhà. Bao đời nay người Vân Kiều ở đây chỉ quanh quẩn bản làng.
Cũng vì thế để vận động Ngọc Tiên đi học không dễ. Hôm đầu ba thành viên của trường và hội phụ nữ xã, huyện không thuyết phục được cậu, đành ra về tay trắng. "Song biết cơ hội này sẽ giúp thay đổi cuộc đời của em và gia đình nên chúng tôi tiếp tục đến vận động", chị Hồ Thị Xương, cán bộ hội phụ nữ xã Hướng Tân cho biết.
Chị Xương ghé thăm nhà gặp Tiên thêm 5 lần nữa. Lần cuối, chị đi cùng một số đại diện chính quyền xã, trong đó có bác bí thư vốn có tiếng nói trong vùng, cùng động viên cậu thiếu niên bước ra khỏi vùng an toàn. Đến tối, Tiên bảo với mẹ đồng ý đi học.
![Cô Minh Châu xem sách vở của Tiên. Cậu bé đã bỏ học, bỏ thi nửa kỳ hai lớp 10 và không muốn đi học nữa, trước khi được vận động đến học tại trường dành cho trẻ mồ côi vì Covid-19, tháng 6/2023. Ảnh: Lê Châu](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/08/13/2-2297-1691937598.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vla4WrAKk3h1LZwd0PwwLA)
Cô Minh Châu xem sách vở của Tiên. Cậu bé không muốn đi học nữa, trước khi được vận động đến học tại trường dành cho trẻ mồ côi vì Covid-19, tháng 6/2023. Ảnh: Lê Châu
Một chiều tháng 7 ở xã Sơn Hạ (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), cô bé Thùy Dung (14 tuổi) đang chơi với hai em trước nhà. Thấy bóng dáng các cô trường Hy Vọng, cô bé người H'rê bế em chạy ra chào. "Năm nay em con lớn rồi, bà con khỏe rồi, xin cô cho con đến trường đi học", Dung nói.
Thùy Dung vốn là lứa học sinh thứ hai, nhập học từ 2022. Năm ngoái, Dung nhớ nhà, thương em còn nhỏ, không thể tập trung học. Một hôm gọi về thấy đứa em sơ sinh nằm trong viện, dây dợ kín người, Dung nằng nặc đòi về.
Ông ngoại Đinh Xuân Trâm động viên cháu ở thêm một hai tuần để sắp xếp công việc rồi xuống đón, với mục đích mong cháu quen dần môi trường không đòi về nữa. Đến tuần thứ ba không thấy ông đón, Dung nói "con sẽ tự về".
Ông Trâm đành chạy xe máy từ nhà lúc 3h sáng xuống Đà Nẵng, hy vọng gặp nhau sẽ khuyên cháu thay đổi ý định. Nhưng con bé vẫn khóc nức nở, kiên định: "Con không cần cơm ngon, không cần nhà đẹp. Con muốn về với các em".
Năm đó, Thùy Dung về thẳng viện chăm em cho đến ngày xuất viện. Trở về nhà một buổi Dung đi học ở trường làng, một buổi chăm em. "Từ lúc mẹ mất vì Covid, con bé xem em như con, luôn muốn che chở", ông Trâm chia sẻ.
Nhờ bàn tay của Dung, đứa em lớn dần, đến nay đã biết bi bô gọi bà gọi chị. Năm nay, Dung cũng biết nhà mình nghèo lắm. Cha dượng bỏ đi từ khi mẹ mất hơn một tháng. Ông bà ngoại đón ba chị em về nuôi. Cuộc sống cả nhà đều dựa vào những đồng tiền đi làm thuê của ông.
"Con biết chỉ có đi học mới bảo vệ được các em và ông bà", cô bé nói.
![Thùy Dung và ông ngoại (hàng đầu, từ trái qua) trong buổi nhập học trường Hy Vọng, ngày 5/8. Ảnh: Phan Dương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/08/13/2-1-2713-1691937598.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Q0InBdhmT66q4Pm3dLfynw)
Thùy Dung và ông ngoại (hàng đầu, từ trái qua) trong buổi nhập học trường Hy Vọng, ngày 5/8. Ảnh: Phan Dương
Ở Diên khánh, Khánh Hoà, bão Covid-19 quét qua cuối năm 2021 biến Nguyễn Đỗ Nhật Văn thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở tuổi 15. Từ đó, cậu thiếu niên không chỉ có mỗi việc ăn học, còn phải mưu sinh. Em làm nghề gói nem để nuôi mình và bà nội ngoài 80 tuổi.
Một ngày trung tuần tháng 6, hội phụ nữ thành phố dẫn theo các thầy cô của trường Hy Vọng tới nhà. Đó là lần đầu tiên nam sinh này nghe về ngôi trường dành cho những đứa trẻ như mình. Trường nuôi ăn học, có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành nhiều hoạt động ngoại khóa. Ngôi trường 5h sáng đã vang tiếng kẻng, học sinh thức dậy gấp chăn màn như tác phong quân đội, sống kỷ cương và lấy yêu thương làm tôn chỉ. Lần đầu nghe, Văn thấy lạ và hứng thú.
"Ngay lúc đó em đã muốn vào trường được tập trung học năm cuối cấp. Ở trường có nhiều bạn chắc chắn sẽ vui hơn ở nhà", cậu nói.
Thầy Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án trường Hy Vọng cho biết hai năm Covid-19 đã phát sinh không biết bao nhiêu chuyện với tụi nhỏ. Trên hành trình mang những đứa trẻ ấy về trường, các thầy cô đã gặp "những em chằng chịt đau thương".
Có cậu bé mới 10 tuổi đã bỏ học, ở nhà vùi đầu vào game. Anh của cậu sang chấn tâm lý vì mất ba, mất bà, mất chú, nên không thể học hành đành bảo lưu kết quả, ở nhà theo mẹ đi bán rau.
Có cô bé sau một đêm mất cả cha lẫn mẹ, từ đó nhất quyết không chịu bỏ chiếc khẩu trang bởi lời dặn trước lúc chia xa là "không được tháo khẩu trang".
Có cậu bé mang vẻ mặt u buồn, không cười, không nói chuyện với ai bởi chứng kiến cảnh cha tự vẫn sau cái chết đột ngột vì Covid-19 của mẹ.
"Trường Hy Vọng được lập ra nuôi các con ăn học. Nơi đây thầy trò là một gia đình, cùng xoa dịu những nỗi đau và nhân lên những hy vọng", thầy Hoàng Quốc Quyền chia sẻ.
![Nhật Văn (áo đen) được một em khóa dưới dẫn đi tham quan trường trưa 5/8. Ảnh: Phan Dương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/08/13/anh2-5003-1691937598.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0zqvX8dVkswkDRUZnskAkw)
Nhật Văn (áo đen) được một em khóa dưới dẫn đi tham quan trường trưa 5/8. Ảnh: Phan Dương
Từ tháng 1/2022 đến nay trường đã qua bốn khóa tuyển sinh, tổng số học sinh hiện tại hơn 300 em, đến từ 41 tỉnh, thành với khoảng 10 dân tộc khác nhau.
Hôm 5/8, Ngọc Tiên, Thùy Dung, Nhật Văn nhập học cùng khoảng 50 bạn khác, trở thành lứa học sinh thứ tư (F4).
Hai đêm trước ngày nhập trường, Dung ôm em Dú và Dĩnh từ phòng ngoại sang ngủ cùng mình. Con bé dặn các em ở nhà phải nghe lời ông bà. Em cũng dặn ông bà coi sóc em hộ mình, rồi bảo ông lâu lâu có tiền ra thăm. "Nếu ngoại không có tiền xuống thăm thì Tết con sẽ về", cô bé nói.
Cả xã Hướng Tân đều biết Ngọc Tiên đi học ở thành phố. Vừa hay dịp này có một đoàn trong xã đi du lịch Đà Nẵng nên đề nghị đưa đón mẹ con Tiên luôn. Bữa đó hai mẹ con chị Hồ Thị Lương ra khỏi bản vào trung tâm xã từ lúc 2h sáng để đón đoàn. Nhờ tiết kiệm được khoản đó, chị Lương có tiền ở nhà nghỉ gần trường thêm hai hôm để con quen dần môi trường. Hôm đầu tiên, gặp những bạn cấp 1 đi nhập học một mình mà không khóc, Tiên đã đỏ hoe mắt.
Ngày đến nhập trường đối với Nhật Văn lại đầy tò mò, háo hức. Nam sinh cho biết gần như từ nhỏ đến giờ phải làm mọi thứ một mình, không được định hướng, chỉ bảo nên nhiều khi không biết làm gì, không biết đã đúng, đã tốt nhất chưa.
"Con vẫn chưa biết ước mơ của mình là gì. Nhưng khi nghe về trường thì con biết đây là con đường dẫn đến tương lai hy vọng hơn", nam sinh nói.
Video: Hành trình chiêu sinh
Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ các em, độc giả có thể ủng hộ tại đây.
Phan Dương