Chiều 31/7, tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (Phó chủ nhiệm Ủy ban) bày tỏ lo lắng về nguồn nhân lực để vận hành các tuyến metro cũng như cách thức khai thác các tuyến tàu điện như thế nào vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM. Ảnh: Hữu Công
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cái khó nhất của metro vẫn là việc quản lý và khai thác, vì hệ thống metro tại TP HCM do nhiều nước tài trợ, mỗi nước có một quy chuẩn khác nhau, cũng giống như thẻ ATM của các ngân hàng lớn hiện này không liên kết được với nhau. "Mỗi tuyến metro sẽ do một đơn vị khai thác hay sẽ có một cơ quan khai thác chung tất cả các tuyến, rồi mô hình quản lý khai thác sẽ như thế nào, tổ chức khai thác ra sao để tránh tình trạng trăm hoa đua nở", ông Đông đặt vấn đề.
Trước những ý kiến này, ông Hoàng Như Cương - Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết UBND TP HCM đã thống nhất quan điểm là chỉ có một công ty khai thác tất cả các tuyến metro được đầu tư bằng vốn ODA. Còn nếu sau này có những tuyến do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT hay PPP thì họ sẽ trực tiếp vận hành những tuyến ấy, tất nhiên là vẫn liên kết với nhưng tuyến còn lại. Riêng về vé thì người dân chỉ sẽ sử dụng một loại vé với các tuyến metro.
"Hiện nay đề án thành lập công ty khai thác vận hành các tuyến metro trên địa bàn thành phố đã hoàn thành, Ban quản lý đường sắt đô thị chuẩn bị trình UBND thành phố. Sau đó sẽ nghiên cứu kế hoạch vận hành vấn đề nhân sự như thế nào, bao nhiêu người", ông Cương cho biết.

Ông Hoàng Như Cương - Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM báo cáo với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hữu Công.
Về phía UBND TP HCM, Phó chủ tịch Tất Thành Cang kiến nghị với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cần có một đánh giá chung về các dự án sử dụng vốn vay ODA. Làm sao để các hợp đồng vay vốn phải vừa đáp ứng được lợi ích của bên cung cấp vốn vừa đảm bảo được lợi ích quốc gia, hạn chế việc bị lệ thuộc vào công nghệ.
Theo ông Cang, cần có cơ chế chính sách như thế nào để vừa hỗ trợ thu hút người dân sử dụng metro với giá vé phù hợp nhưng cũng vừa đảm bảo việc trả nợ vay. Bên cạnh đó, phải làm sao để có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương để rút ngắn thời gian không cần thiết, "vì phải thảo luận bằng công văn như hiện nay mất quá nhiều thời gian".
Kết thúc buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của TP HCM trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị. "Chính sách pháp luật là do chúng ta làm ra, vì vậy có kiến nghị gì cứ tổng hợp lại, chúng tôi sẽ gửi đến Quốc hội để có những điều chỉnh phù hợp", ông Dũng cho biết.
Hữu Công